Ông Nguyễn Thế Trung |
Ông Nguyễn Thế Trung Chủ tịch và Tổng giám đốc Hanel-DTT, được biết tới là một người trẻ U40 nhưng đã tham dự làm công nghệ từ sớm trong các thị trường vốn không dành cho người trẻ như chính quyền điện tử và giáo dục. Trước đây ông Trung thường xuất hiện trong các hội thảo quốc gia về công nghệ thông tin trong vai trò tư vấn cho các dự án lớn như Máy tính Thánh Gióng, Kết nối tri thức, Đám mây nguồn mở cho chính phủ, và gần đây là Giáo dục STEM, nhưng thời gian gần đây ông xuất hiện với một vai trò mới là Chủ tịch HĐQT công ty Hanel-DTT, một liên doanh của 2 tên tuổi công nghệ có vẻ rất khác nhau nhưng lại đều tập trung vào một lĩnh vực rất nóng là chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Ông Trung đã đồng ý trả lời phỏng vấn về vai trò mới này với những thông tin về các kết quả Hanel-DTT đạt được trong chính quyền điện tử và chia sẻ mong muốn và kế hoạch tiếp theo.
Hồi cuối tháng 5, Cục Đăng kiểm VN đã Khai trương Dịch vụ công trực tuyến mức 4 đầu tiên tham gia cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Được biết, để triển khai các dịch vụ này, Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ GTVT đã phối hợp chắt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt nam, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và đơn vị thực hiện là Hanel DTT. Xin ông cho biết đến thời điểm này, Hanel DTT đã phối hợp triển khai để cung cấp những thủ tục hành chính công trực tuyến nào trong lĩnh vực Đăng kiểm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia?
Vào ngày 25/5/2015, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức khai trương dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đăng kiểm với mức độ cao nhất là mức độ 4 (hoàn toàn thực hiện trên mạng, người làm thủ tục không cần tiếp xúc trực tiếp với cơ quan làm thủ tục). Từ ngày 25/5, Cục Đăng kiểm tiến hành tiếp nhận hồ sơ giấy song song với hồ sơ trực tuyến để thử nghiệm trong thời gian 2 tháng và cũng để doanh nghiệp làm quen với hình thức mới này. Trong thời gian đó, HANEL-DTT đã tích cực phối hợp, hoàn thiện phần mềm, đào tạo tập huấn 3 đợt cho khoảng 300 doanh nghiệp và tất cả các cán bộ thuộc phòng Chất lượng xe cơ giới (VAQ) của Cục Đăng kiểm Việt Nam về vận hành và làm chủ hoàn toàn hệ thống. Đến nay hệ thống đã hoàn toàn sẵn sàng và tích hợp thông suốt với Cơ chế Một cửa Quốc gia (NSW) để có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Các thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đăng kiểm bao gồm cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho xe cơ giới bao gồm: xe máy, động cơ; xe cơ giới; xe máy chuyên dùng; xe đạp điện và xe chở người 4 bánh. Giấy chứng nhận chất lượng này là thành phần hồ sơ bắt buộc cho việc nhập khẩu phương tiện khi làm thủ tục hải quan trên phạm vi cả nước.
Từ 1/8, Cục đăng kiểm Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải) sẽ chấm dứt nhận hồ sơ giấy để chuyển hẳn qua nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Hệ thống CNTT của Bộ GTVT phục vụ thí điểm cơ chế một cửa quốc gia (trong đó có phân hệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng kiểm) là do Hanel - DTT triển khai. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này và đơn vị có sự chuẩn bị như thế nào để hỗ trợ cơ quan đăng kiểm cũng như doanh nghiệp?
Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước cải cách hành chính đột phá của Bộ Giao thông vận tải nói chung và Cục Đăng kiểm Việt Nam nói riêng. Khi thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trực tuyến sẽ tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp, công khai và minh bạch quá trình thực hiện thủ tục. Một điểm quan trọng nữa là hình thức trực tuyến này giảm tối đa những tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, nhanh chóng đưa hàng hóa ra thị trường và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Cũng chính vì lý do này, việc ứng dụng CNTT để xây dựng các dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong lộ trình cải cách hành chính. HANEL-DTT đã nghiên cứu ứng dụng trong 3 năm để có được giải pháp hoàn chỉnh ứng dụng ngày hôm nay, đáp ứng hoàn toàn về công nghệ cho các hệ thống của Chính phủ.
Chúng tôi luôn coi trọng chất lượng dịch vụ công nghệ lên hàng đầu. Do đó, HANEL-DTT đã tổ chức hệ thống bảo hành, bảo trì dịch vụ chuyên nghiệp từ khâu tiếp nhận thông tin qua tổng đài dịch vụ (tổng đài 1900 8015), trực hạ tầng 24/7, đội ngũ phát triển và bảo trì phần mềm đáp ứng chỉnh sửa và khắc phục sự cố hệ thống nhanh nhất đảm bảo không gián đoạn dịch vụ của khách hàng. Đặc biệt, tổng đài tiếp nhận toàn bộ những yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ để có chất lượng dịch vụ tốt nhất, coi các doanh nghiệp làm thủ tục như khách hàng trực tiếp của mình. Đây cũng là một trong những bí quyết thành công của HANEL-DTT để có thể ứng dụng các hệ thống lớn cho đất nước.
Cũng như các hệ thống khác, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Cục Đăng kiểm Việt Nam do HANEL-DTT xây dựng cũng sẽ tiếp nhận yêu cầu thông tin và phục vụ khoảng 10 nghìn doanh nghiệp nhập khẩu xe cơ giới và toàn bộ các cán bộ quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cục đăng kiểm Việt Nam khai trương Dịch vụ công qua Cổng thông tin điện tử một cửa |
Xin ông cho biết, dịch vụ công do Hanel - DTT xây dựng khác dịch vụ công do các đơn vị khác xây dựng như thế nào?
Về mô hình dịch vụ công trực tuyến, HANEL-DTT tự hào là một trong những đơn vị làm CNTT đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia về CNTT, về CCHC để đưa ra kiến trúc tổng thể (EA) cho dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Trong các thành phần kiến trúc, HANEL-DTT đã đưa ra các thành phần có mức độ tổng quát cao, có thể áp dụng cho bất kỳ một dịch vụ công trực tuyến nào cho tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước ở mức độ cao nhất (mức 4).
Về nghiệp vụ, dịch vụ công trực tuyến do HANEL-DTT xây dựng đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, các giải pháp đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ dạng số; xử lý hồ sơ hoàn toàn qua mạng, loại bỏ các giấy tờ giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; trả kết quả trực tuyến sử dụng chữ ký số và thanh toán điện tử. Toàn bộ cơ sở dữ liệu ghi nhận quá trình thực hiện cũng như nghiệp vụ đều được cập nhật trong quá trình thực hiện thủ tục để có thể cung cấp và khai thác cho các mục đích khác. Mô hình của HANEL-DTT cũng cung cấp những phương tiện thuận lợi nhất cho người làm thủ tục và giảm số lượng giấy tờ cần xuất trình.
Về công nghệ, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến do HANEL-DTT xây dựng sử dụng hoàn toàn nguồn mở với những giải pháp hàng đầu thế giới, đảm bảo an toàn, bảo mật và hiệu năng. Có thể lấy ví dụ là đến thời điểm này, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến của HANEL-DTT xây dựng đang phục vụ khoảng 50 nghìn doanh nghiệp trên phạm vi cả nước thường xuyên sử dụng và đang vận hành ổn định.
Có thể tóm tắt các điểm khác biệt của HANEL-DTT nằm ở 3 từ: kiến trúc, công nghệ mã nguồn mở và chất lượng dịch vụ hỗ trợ.
Theo ông điều gì là quan trọng nhất cần phải giải quyết khi xây dựng hệ thống CNTT của các bộ, ngành để nó hoạt động thông suốt khi tham gia Cơ chế 1 cửa quốc gia?
Điều quan trọng nhất đó chính là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tham gia cơ chế một cửa Quốc gia. Cơ chế đồng bộ này bao gồm chính sách, quy trình và tuân thủ các nguyên tắc của Cơ chế một cửa Quốc gia theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Thay vì xây dựng nhiều hệ thống riêng rẽ, nay phải xây dựng một hệ thống tích hợp thống nhất. Do vậy, các Bộ ngành cần phải tích cực chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chung cho người dân và doanh nghiệp và mạnh mẽ loại bỏ tính cát cứ thông tin đã và vẫn còn đang tồn tại ở một số đơn vị.
Hệ thống CNTT được xây dựng trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ đã được thống nhất của các cơ quan tham gia cơ chế một cửa cần phải đảm bảo các yếu tố đáp ứng hiện đại hóa các nghiệp vụ trước đây chỉ thực hiện bằng giấy tờ nay chuyển đổi sang sử dụng hệ thống thông tin. Các yếu tố công nghệ quan trọng như năng lực hạ tầng CNTT, an ninh thông tin và hiệu năng sử dụng cũng là các yếu tố rất quan trọng.
Và một điểm nữa, hệ thống cần được thiết kế để thuận lợi và dễ dùng cho các doanh nghiệp, người làm thủ tục hành chính cũng là một yếu tố dẫn đến thành công.
Nhiều Quốc gia đã xây dựng cơ chế một cửa và chứng minh tính hiệu quả của nó trực tiếp tới nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam cũng sẽ thực hiện thành công cơ chế này đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Xin ông cho biết tại sao trước đây các bộ, ngành phải mất khá lâu để có thể triển khai được 1 dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, nhưng hệ thống này được Hanel - DTT triển khai chỉ trong thời gian ngắn?
Thứ nhất, đó là quyết tâm của các cấp lãnh đạo khi chuyển đổi từ việc thực hiện thủ tục hành chính theo phương pháp truyền thống sang dịch vụ công trực tuyến. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất. Những rào cản về thói quen, các mức độ lợi ích nhất định sẽ cản trở việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. HANEL-DTT vui mừng thấy rằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc cải cách hành chính nói chung và ứng dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến nói riêng sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai là thời gian triển khai nhanh do HANEL-DTT đã nghiên cứu trong một thời gian dài để có thể triển khai trong thời điểm này với thời gian ngắn. HANEL-DTT có một đội ngũ chuyên gia tư vấn về cải tiến quy trình cho các khách hàng của mình để sẵn sàng ứng dụng CNTT, do đó thời gian mất lâu nhất là xây dựng quy trình đã được rút ngắn đáng kể. Việc còn lại là công nghệ mà đó lại là sức mạnh của HANEL-DTT.
Ngoài các dịch vụ công trực tuyến HANEL-DTT xây dựng cho Bộ Giao thông vận tải, có thể kể đến các dịch vụ công trực tuyến do chúng tôi xây dựng cho Bộ Y tế. Các dịch vụ công mức độ 4 của Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý môi trường Y tế đã chứng minh hiệu quả về tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và giảm thời gian thụ lý hồ sơ cho cơ quan Nhà nước. Có thể lấy một ví dụ là một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh làm 1hồ sơ tiết kiệm ít nhất 10 triệu đồng bao gồm chi phí đi lại, ăn ở cho cán bộ làm thủ tục khi phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Hà Nội. Đến nay, đã có hơn 19.000 hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến cho các thủ tục này.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên chúng tôi xây dựng mất 8 tháng mới đưa vào sử dụng chính thức. Đến thời điểm này, tùy thuộc vào độ phức tạp mà thời gian xây dựng có khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi đang đặt chỉ tiêu là có dịch vụ công trực tuyến mà HANEL-DTT sẽ xây dựng trong thời gian chỉ 2 tuần làm việc.
Bộ Y tế hai trương Dịch vụ công trực tuyến |
Được biết hệ thống MT Gateway do Hanel - DTT xây dựng dựa trên nền tảng nguồn mở phát triển chính quyền điện tử OEP. Xin ông cho biết thêm về ưu nhược điểm của hệ thống này?
MT Gateway được thiết kế với tiêu chí là điểm truy cập duy nhất cho các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải với toàn bộ các thủ tục hành chính công ngoài các thủ tục tham gia cơ chế Một cửa Quốc gia. MT Gateway cũng là điểm trung chuyển các thông tin từ NSW tới các hệ thống nghiệp vụ và ngược lại.
Toàn bộ MT Gateway sử dụng nền tảng OEP. Ưu điểm chính bao gồm khả năng sẵn sàng về công nghệ, sử dụng chung các thành phần như đăng nhập một lần, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, quản lý danh mục dữ liệu dùng chung, tích hợp chữ ký điện tử, thanh toán trực tuyến, quản lý quy trình nghiệp vụ, giám sát và thống kê vv…
Ưu điểm tiếp theo là hiệu năng sử dụng đáp ứng số lượng người sử dụng lớn, ổn định, bảo mật dữ liệu. OEP sử dụng nguồn mở nên hoàn toàn không mất chi phí bản quyền, tiết kiệm chi phí rất lớn cho Nhà nước.
Còn về nhược điểm thì có thể nói rằng OEP được tích hợp từ nhiều công nghệ nguồn mở phức tạp nên việc làm chủ nó cần có trình độ nhất định về nhiều công nghệ khác nhau. HANEL-DTT đã và đang chuyển giao công nghệ cho khách hàng của mình để dần có thể làm chủ hoàn toàn hệ thống.
Được biết giải pháp OEP mà Hanel- DTT cung cấp là giải pháp nền tảng nguồn mở duy nhất do VN xây dựng. Xin ông cho biết giải pháp này đã được ứng dụng thành công trong những lĩnh vực nào, địa phương nào?
OEP đã được sử dụng là nền tảng cho các hệ thống của toàn bộ Chính quyền điện tử TP.Đà Nẵng, Quận Ngô Quyền (Hải Phòng), Cổng thông tin điện tử của TP. Hà Nội và tất cả các Quận thuộc Hà Nội, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế, Bộ Giao thông và hệ thống kiểm soát TTHC của Bộ Tư pháp. OEP cũng được sử dụng cho hệ thống thu thập số liệu qua thiết bị di động của Bộ Nông nghiệp và PT Nông thôn.
Một trong những hệ thống sử dụng OEP sắp khai trương là hệ thống trao đổi bệnh án điện tử HL7 CORE của Bộ Y tế. HANEL-DTT tin tưởng rằng đây sẽ là một trong những “cuộc cách mạng” trong việc hiện đại hóa dịch vụ Y tế tại Việt Nam.
Ông được biết đến là người sớm thành công (giải nhì toán quốc tế 1995) và thích làm việc mới, vậy bên cạnh việc hợp tác với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế… ông có kế hoạch gì để tiếp tục hợp tác với các bộ ngành, địa phương khác trong việc thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ngày càng nhiều hơn nữa ở nước ta?
Với độ chín muồi về công nghệ và kinh nghiệm triển khai thành công ở các Bộ và địa phương, như đã nói ở trên Hanel-DTT tự tin rằng chúng tôi có thể làm rất nhanh, chỉ 2 tuần đến1 tháng, xong một dịch vụ công mức độ 3-4 và có đủ đội ngũ trong liên minh thành viên OEP để triển khai song song 20 dịch vụ công nếu được chính phủ đặt hàng. Chính vì thế, chúng tôi rất chờ đợi vào việc nhận được cuộc gọi của các lãnh đạo Bộ Ngành hay Địa phương quyết tâm mong muốn triển khai quyết liệt các dịch vụ công mức 3-4. Tại sao lại là cuộc gọi của lãnh đạo? Vì đó là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định thành công và là yếu tố duy nhất chúng tôi không tự làm được, còn ngay cả về tài chính chúng tôi cũng tự tin rằng với quyết định 80 về thí điểm thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, đây không phải là vấn đề lớn.
Ví dụ với 10.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công của chúng tôi làm chỉ cần trích trả 1 triệu đồng cho chúng tôi là đã có 10 tỷ, con số đó đủ lớn để làm dịch vụ công dạng phức tạp nhất. Thay mặt cho lãnh đạo Hanel-DTT và cho nhiều công ty làm công nghệ nguồn mở, chúng tôi tin rằng đây là thời điểm để chúng tôi một lần nữa làm rạng danh đất nước (từ được dùng khi một số trong chúng tôi mang về những giải thưởng quốc tế) để đưa Việt Nam bứt lên trong xếp hạng về chính quyền điện tử như chính phủ Hàn Quốc và chính phủ Pháp đã làm trong 5 năm vừa qua (nhờ ứng dụng công nghệ nguồn mở mà lên top 5 thế giới), và quan trọng nhất đó là cùng chính quyền cải cách hành chính hỗ trợ người dân và đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn góp phần xây dựng một nền kinh tế vận động hài hòa và bền vững qua đó nâng cao niềm tin vào chính quyền.
Tôi cũng muốn chia sẻ là chúng tôi đã nghiên cứu thành công một nền tảng rộng lớn trải dài từ dich vụ công tới cộng tác, điều hành tác nghiệp, thu thập tích hợp dữ liệu lớn, vì thế công nghệ của chúng tôi sẽ liên tục được cập nhật đảm bảo mọi nhu cầu của Chính phủ. Theo tôi thì các Bộ trưởng và chủ tịch các địa phương không nên đợi thêm nữa, hãy gọi cho chúng tôi, và đảm bảo chỉ sau 1 tháng các vị sẽ có trái ngọt đầu tiên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.