Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh 63% sinh viên ra trường không làm được việc, 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, vấn đề “lương 2.000 USD” vẫn được coi là ước mơ viển vông, xa vời.
Giấc mơ từng bị 'ném đá'
Năm 2011, một sinh viên Đại học Ngoại thương tuyên bố ra trường lương dưới 1.000 USD không làm, gây nên “cú sốc” với nhiều sinh viên và nhà tuyển dụng. Phát ngôn này đã trở thành chủ đề bị chế giễu trên cộng đồng mạng.
Năm 2016, một sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã đặt câu hỏi trong hội thảo về cơ hội nghề nghiệp: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?". Câu hỏi khiến nhiều con mắt đổ dồn về phía nữ sinh và sau đó cô bạn bị "ném đá" trên mạng.
Bảng thống kê việc làm của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016. Ảnh: ĐHBKHN. |
Hai câu hỏi trên của sinh viên về mức lương nghìn USD nhận được ý kiến trái chiều của dư luận. Người cho rằng đó là giấc mơ "hoang đường, không có cơ sở" vì sinh viên Việt Nam ra trường thường chưa làm được việc. Thế nhưng, không ít ý kiến khác khẳng định “nếu không có ước mơ thì không thể làm được những điều vĩ đại".
Theo kết quả khảo sát của một số trường đại học, sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể nhận được mức lương 2.000 USD/tháng tại các công ty nước ngoài.
Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố bảng thống kê mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 (80% số sinh viên tốt nghiệp trả lời khảo sát). Theo đó, mức trung bình là 8,2 triệu đồng/tháng. Phổ lương trải rộng từ 3 đến 60 triệu đồng/tháng.
Tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), các khảo sát thực tế do nhà trường thực hiện qua những năm gần đây cho thấy mức lương sinh viên nhận được dao động từ 6-20 triệu đồng/tháng. Số sinh viên nhận lương 30-60 triệu đồng/tháng không nhiều. Một số sinh viên xuất sắc có lương 60 triệu đồng/tháng.
Phải dám nghĩ về mức lương 2.000 USD
Theo số liệu của Đại học Khoa học Tự nhiên, hai nữ sinh nhận được lương khởi điểm 2.000 USD khi chưa ra trường là Nguyễn Thị Quý (ngành Tiên tiến Hóa học) và Đỗ Thị Phương (ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học). Họ đã được Công ty Hóa chất Kyowa (Nhật Bản) nhận làm việc.
Nguyễn Thị Quý - sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐHKHTN. |
Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Khoa học Tự nhiên - lý giải, sinh viên trong trường có nhiều cơ hội được nhận vào làm việc tại các tập đoàn lớn của nước ngoài nên lương cao. Đó phần lớn là sinh viên làm việc liên quan các ngành như hóa chất, sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm hoặc vi sinh...
PGS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho hay: Năm học 2015-2016, trường có hơn 60 sinh viên được tuyển dụng với mức lương 2.000 đến 3.000 USD/tháng, hầu hết làm cho công ty nước ngoài, các ngành về công nghệ thông tin.
Trong đó, em Nguyễn Xuân Bách (sinh viên năm cuối) trúng tuyển vị trí kỹ sư phần mềm, làm việc ở Nhật Bản với mức lương 60 triệu đồng mỗi tháng.
Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đồ họa: Nguyễn Sương. |
Tiến sĩ Lê Nhân Tâm - cố vấn công nghệ và kiến trúc sư về điện toán đám mây của Tập đoàn IBM - cho rằng sinh viên phải dám nghĩ về lương 2.000 USD. Hiện nay, sinh viên mới ra trường có thể nhận được mức lương này, chủ yếu ở lĩnh vực bảo mật công nghệ thông tin.
Ông Tâm cũng cho rằng điều quan trọng hơn sinh viên nên đặt câu hỏi: Bạn là ai sau 2-5 năm nữa. Từ đó, bạn sẽ biết mình làm gì, nên trang bị những gì để đạt được mục tiêu.
TS Lê Nhân Tâm lý giải các công ty lớn như IBM, Microsoft, Google... đều tuyển dụng những người có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, các bạn trẻ nên học hỏi từ chính người quản lý của mình xem họ làm công việc gì, thực hiện kỹ năng nào để bổ sung những điều mình còn khuyết thiếu
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.