Hàng hải Việt Nam làm chủ công nghệ để vươn xa

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao
Ứng dụng 28/05/2019 10:11

Với tinh thần “đi trước mở đường”, ngành GTVT nói chung và lĩnh vực hàng hải nói riêng không đứng ngoài sự phát triển khoa học công nghệ toàn cầu. Hàng hải đã và đang chủ động nắm bắt, phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

cang Da Nang
 

 Chú trọng đầu tư

Ngay từ “những bước đi đầu tiên”, ngành Hàng hải đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong định hướng phát triển của Ngành, tạo điều kiện ưu tiên cho một số lĩnh vực có khả năng, tiềm lực đưa một số lĩnh vực đạt trình độ ngang tầm quốc tế. Theo đó, từ năm 2013 Cục đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm kiểm tra tàu biển có chức năng trao đổi, theo dõi thông tin kiểm tra tàu biển của Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ. Từ tháng 12/2015, Cục đã đưa phần mềm cung cấp thông tin cập nhật về bình đồ luồng hàng hải điện tử (ENC) của 43 tuyến luồng hàng hải, các thông báo hàng hải và thông tin về hệ thống đèn biển (94 đèn biển). Hệ thống đã giúp cho người đi biển và các cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật các thông tin về bình đồ luồng hàng hải, thông báo hàng hải và hệ thống đèn biển một cách dễ dàng, thuận tiện.

Tiếp đó, hệ thống AIS cũng được Vishipel đầu tư, đưa vào hoạt động từ năm 2013 với chức năng thu nhận bản tin AIS từ các phương tiện lắp đặt thiết bị AIS (vùng thu nhận được giới hạn trong phạm vi tầm phủ sóng VHF, tính từ vị trí lắp đặt trạm thu AIS); cung cấp thông tin nhận dạng, vị trí, hành trình di chuyển và các thông tin liên quan của các phương tiện cho người sử dụng; cho phép tra cứu lịch sử hành trình tàu trong quá khứ theo nhu cầu của người sử dụng.

Năm 2016, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm “Ứng dụng phổ biến thông tin hàng hải trên thiết bị thông tin di động để phổ biến, tuyên truyền thông tin về hoạt động của ngành Hàng hải, thông tin về tàu biển, thuyền viên, luồng hàng hải đến người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, năm 2018 Cục Hàng hải Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, triển khai mở rộng Cơ chế Một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng Thông tin Một cửa quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải từ tháng 7/2018. Theo đó, tổng số hồ sơ điện tử được 25 cảng vụ tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 01/7/2018 đến 10/12/2018 là 33.496 hồ sơ và có 31.312 hồ sơ được cấp phép điện tử - ký số, đạt tỷ lệ 87% hồ sơ được tiếp nhận, phê duyệt điện tử.

Việc triển khai thành công Cơ chế Một cửa này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho tàu thuyền ra, vào cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển.

Ngoài ra, Cục còn triển khai nâng cấp “Phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển” bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP. Đồng thời, Cục còn phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT (lĩnh vực hàng hải) và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, ngành Hàng hải tập trung vào việc xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu chuyên ngành hàng hải để sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung của Bộ GTVT, gồm cơ sở dữ liệu về tàu biển và thuyền viên.

Các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn diện, đã và đang được thực hiện tại lĩnh vực hàng hải để phục vụ người dân. Tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển hàng hải nói riêng và ngành GTVT nói chung đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0.

Thúc đẩy phát triển

Ngành GTVT nói chung và lĩnh vực hàng hải nói riêng đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng này theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển, chủ động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 trong hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Cục đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, định hướng theo công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là công nghệ số hóa, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Đồng thời trong thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan sẽ chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng, đặc biệt là phát triển hệ thống quản lý, giám sát hành trình tàu thuyền, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam trên nền tảng công nghệ số và Internet vạn vật để hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, điều tra tai nạn, tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường lĩnh vực hàng hải.

Trong lĩnh vực vận tải, Cục cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ số và công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics

Ý kiến của bạn

Bình luận