Đòn bẩy vượt “bão” Covid-19
Kể từ khi bùng phát dịch đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh hàng không, du lịch, ngành vận tải hàng hóa đường biển cũng đang chịu những tác động lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận chuyển hàng hóa. Mặc dù vậy nhưng các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển vẫn vượt khó, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đây là những tín hiệu đáng mừng đối với cảng biển Việt Nam.
Trong nhiều tháng gần đây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tiếp tục giữ đà tăng trưởng dương. Cụ thể, theo báo cáo số liệu thống kê tháng 6 năm 2021 của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 5 tháng đầu năm 2021 tăng 7% so với cùng kỳ 2020, đạt 302.424.000 tấn. Trong đó, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 5 tháng đầu năm tăng 24%. Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá trong 5 tháng đầu năm 2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có mức tăng trưởng cao so với những tháng có dịch Covid-19.
Để có được sự “chuyển mình này”, Cục Hàng hải Việt Nam cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải đã xây dựng và triển khai những chính sách hỗ trợ, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, Cục Hàng hải đã khẩn trương làm việc với Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam và các công ty hoa tiêu đưa ra các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động, thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Chủ tàu trong việc giảm giá hoa tiêu đối với tàu hoạt động nội địa.
Đồng thời, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện đơn giản hóa và đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tàu thuyền hoạt động; Ban hành văn bản chỉ đạo các cảng vụ hướng dẫn chủ tàu, thuyền viên về việc cho phép gia hạn các chứng chỉ thuyền viên.
Cục cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan cung ứng các dịch vụ thiết yếu bảo đảm hoạt động vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa diễn ra bình thường; chỉ đạo triển khai công tác nộp phí điện tử, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp.
Các cảng vụ hàng hải triển khai hiệu quả "nhiệm vụ kép" (Ảnh minh họa) |
Là một trong 23 cảng vụ hàng hải triển khai thực hiện 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, ông Trịnh Thế Cường – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho biết để duy trì hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển Đà Nẵng trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Cảng vụ còn triển khai ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị nằm tăng cường kiểm soát và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thuyền viên, hành khách trên tàu và công nhâm nhân viên, người lao động tại cầu cảng và tại cổng cảng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho bản thân người lao động tại đơn vị và cho cộng đồng.
Cũng như Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch. Theo ông ông Lê Văn Thức - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong thời gian dịch bệnh, cảng vụ đã thực hiện giải quyết thủ tục điện tử cho 97% tàu biển vào, rời cảng biển thông qua hệ thống một cửa quốc gia; phối hợp chặt chẽ và triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, cách ly các thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài trở về từ các vùng dịch qua cảng biển Vũng Tàu; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tàu thuyền, doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng và đáp ứng nhu cầu thay đổi thuyền viên của chủ tàu cũng như các thuyền viên Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài làm việc trên phương tiện dịch vụ dầu khí, giàn khoan liên quan.
Tiếp tục vươn mình đón sóng
Trong những năm qua, ngành Hàng hải đã có nhiều đổi mới, từ thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, kết nối các phương thức vận tải… Đó là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Để tiếp tục tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của khối cảng biển cũng như tạo tiền đề phát triển bền vững kinh tế biển theo định hướng của Đảng và Nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là xây dựng quy hoạch cảng biển giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, với mục tiêu là quy hoạch cảng biển phải đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để đánh giá, xin ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp…Một điểm quan trọng là trong quy hoạch lần này đã tính tới sự kết nối giao thông. Hiện nay, kết nối giao thông tại một số nơi, khu vực chưa đồng bộ với hệ thống cảng biển, nhu cầu cảng biển. Tình trạng đô thị hóa sát với khu vực cảng biển làm cho hệ thống kết nối giao thông tại những nơi này quá tải khi phải gánh cả giao thông đô thị làm xung đột giao thông với cảng biển.
Chính vì vậy, quy hoạch cảng biển này sẽ tính đến sự phù hợp với quy hoạch đô thị để đảm bảo sự kết nối giao thông với cảng biển được tốt nhất. Định hướng sắp tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu, đẩy mạnh đầu tư trọng tâm, trọng điểm cũng như thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác kết hợp với ngân sách nhà nước.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế và điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch thông qua các hình thức đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong đó, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn bảo đảm phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại. Không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn (bao gồm các cảng cửa ngõ quốc tế, cảng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội cả nước hoặc liên vùng).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.