Hàng không giải thích thế nào giá vé bay tăng cao hơn cao điểm Tết?

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/04/2020 09:11

Hiện tại, giá vé các hãng thông báo cao gấp 3 - 4 lần so với giai đoạn hạn chế bay phòng chống dịch và cao hơn cao điểm Tết Nguyên đán.


giá vé tăng cao
Dải giá vé của các hãng hàng không được xây dựng đảm bảo theo quy định, không vượt mức giá trần

“Nóng” giá vé trên các đường bay nội địa

Anh Trần Đức Linh (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) đang có chuyến công tác tại TP. Đà Nẵng. Sắp tới khi hoàn thành công việc anh sẽ trở lại TP. Hồ Chí Minh nên ngày 20/4 anh Linh có lên mạng tìm mua vé của Vietnam Airlines. Anh Linh không khỏi giật mình khi thông tin vé hạng Thương gia của chuyến bay khởi hành lúc 8h sáng có mức giá niêm yết lên đến 4.932.000 triệu đồng. Sau đó, anh chuyển sang chọn vé bay hạng phổ thông vào thứ 4 (22/4) thì giá vé cũng ở mức 1.829.000 đồng (chưa bao gồm thuế và phí). Anh Linh chia sẻ, trước đây giá vé những chuyến bay hạng Phổ thông như vậy chỉ dao động từ 800.000 - 1,3 triệu đồng.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, việc hãng tăng giá trở lại là theo quy luật của thị trường, không có chuyện tăng giá vé để bù đắp thiệt hại do dịch bệnh Covid-19. Dải giá vé của hãng được xây dựng đảm bảo theo quy định, không vượt mức giá trần.

Theo đó, từ ngày 20 - 24/4, đối với chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Vietnam Airlines niêm yết giá vé hạnh Phổ thông khứ hồi thấp nhất là 5,1 triệu đồng/khách, cao nhất là gần 5,6 triệu đồng/khách.

Cũng trên chặng bay này, hai hãng Vietjet Air và Bamboo Airways cũng có mức tăng giá vé tương tự, đặc biệt các chuyến bay chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh của Vietjet đã hết vé hạng thấp nhất.

Việc các hãng HKVN tăng giá vé trở lại đã làm hàng khách có chút bất ngờ là bởi trước đó các hãng đã đưa ra mức giá vô cùng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các đường bay trong nước đã bị hạn chế tần suất bay để phòng chống dịch, kéo theo đó là giá vé được các hãng hàng không trong nước thông báo ở mức rất rẻ.

Để phòng chống dịch Covid-19, theo quy định, kể từ 0h ngày 01/4, các hãng HKVN chỉ khai thác với tần suất 02 chuyến khứ hồi/ngày trên đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; đường bay Hà Nội - Đà Nẵng khai thác 01 chuyến khứ hồi/ngày; đường bay giữa TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng khai thác 01 chuyến khứ hồi/ngày. Bắt đầu từ 16/4, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific được tăng tần suất bay, dó đó hành khách, dải vé và những yếu tố khác cũng được vận hành theo tình hình mới.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, Cục HKVN đã yêu cầu các hãng hàng không bố trí hành khách trên một hàng ghế cách nhau ít nhất 01 ghế; đảm bảo khoảng cách tối thiểu 02m giữa các hành khách đi xếp hàng làm thủ tục hàng không và lên tàu bay…

Hiện tại, giá vé được các hãng hàng không thông báo cao gấp từ 3 - 4 lần so với giai đoạn hạn chế tần suất bay để phòng chống dịch. Còn nếu so sánh với giá vé cao điểm Tết Nguyên đán (từ 17 - 24/01/2020) thì giá vé hiện tại cũng cao hơn.

Tăng nhưng không vượt mức trần quy định

Có thể thấy rằng, do việc “nới lỏng” cách ly nên việc đi lại của hành khách tăng cao hơn so với hai tuần trước. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân vẫn rất cao. Việc quy định về khoảng cách, chỗ ngồi, số lượng người đã khiến lượng hành khách của các hãng hàng không bị hạn chế. Thời điểm này mặc dù giá vé có cao nhưng nhiều khung giờ vé đã được bán hết, đặc biệt là đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Bên trong chuyến bay
Các hãng HKVN nói riêng và hàng không thế giới nói chung chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19

Các hãng hàng không đều khẳng định mức giá vé hiện vẫn giữ ở mức ổn định và nằm trong khung giá trần. Trong giai đoạn tới, giá vé sẽ có sự thay đổi theo diễn biến của dịch Covid-19.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục HKVN cho biết, riêng trong giai đoạn này, nếu giá vé có đắt cũng là điều không quá khó hiểu bởi nhu cầu đi lại, đặc biệt trên trục Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh vẫn rất cao, trong khi lượng cung bị hạn chế do dịch Covid-19. Hiện tại, số chuyến bay cung ứng chỉ bằng 5 - 6% so với trước kia. Tuy nhiên, dù giá vé cao đến mức nào thì cũng không được vượt quá trần mức quy định.

Theo quy định tại Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, có hiệu từ ngày 01/7 thì giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500km - 800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Thông tư 17 cũng nêu rõ: Mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ tiền thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm giá dịch vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm.

Trước đó, liên quan đến việc các hãng hàng không công bố mở lại các đường bay nội địa sau ngày 15/4 và thực hiện bán vé, Cục HKVN đã có văn bản yêu cầu các hãng báo cáo về Cục để Cục xem xét, quyết định. Đồng thời, Cục HKVN yêu cầu các hãng tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện tại, các hãng HKVN và trên thế giới đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, việc hoạt động trở lại thế nào, bù đắp con số thiệt hại cực lớn ra sao vẫn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá vé như thế nào cho hợp lý cần được các hãng HKVN tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi hành khách, ổn định thị trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận