Hàng không tăng trưởng trở lại, nguồn nhân lực có kịp đáp ứng?

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 24/11/2022 11:37

Sau đại dịch Covid-19, ngành Hàng không Việt Nam (HKVN) phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Đào tào nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu...


Hàng không tăng trưởng trở lại, nguồn nhân lực có kịp đáp ứng? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) trong buổi thực tế với tàu bay

Tốc độ phát triển càng nhanh, sự thiếu hụt lao động càng rõ

Hiện nay, ngành Hàng không thế giới cũng như Việt Nam đang cần lượng nhân lực lớn. Trong thời gian tới, để đáp ứng tốc độ phục hồi, tăng trưởng của thị trường du lịch hàng không thương mại, việc chuẩn bị nhân lực cho ngành là hết sức cần thiết.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao phải luôn trong tư thế sẵn sàng như một ưu thế cạnh tranh chủ lực của các hãng bay.

Đánh giá chung tình hình về nhân lực hàng không hiện nay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định, cơ cấu lao động chuyển dịch theo chiều thuận, phù hợp với quy hoạch GTVT hàng không. Trong đó, cơ cấu lao động chuyên ngành có xu hướng tăng trong cơ cấu chung, tỷ lệ phi công là người Việt Nam trong cơ cấu lực lượng tăng nhưng ở mức độ thấp.

Theo đó, đội ngũ lao động chuyên ngành như: người lái tàu bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật hàng không... được đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản, toàn diện theo quy trình, quy chuẩn quốc tế. Lực lượng này đang làm việc chuyên nghiệp, tay nghề cao, tích lũy được kinh nghiệm, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ đối với các loại tàu bay hiện đại như Boeing, Airbus. Bên cạnh đó, 100% thành viên tổ lái người Việt Nam và hầu hết kiểm soát viên không lưu, nhân viên CNS có trình độ tiếng Anh mức 4 (Level 4) trở lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Các nhân viên kỹ thuật tàu bay được đào tạo chuyên sâu, chuyên môn hóa, đã tự bảo dưỡng (Check A, B, C) hầu hết các loại tàu bay đang khai thác.

Ưu điểm của nhân lực hàng không là độ tuổi lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao. Đây là lực lượng lao động rất năng động, có sức khỏe và trí lực tốt, được đào tạo khá bài bản, toàn diện, là nguồn kế cận lâu dài của ngành. Về tổng thể thì lực lượng lao động cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong từng thời kỳ.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không hiện nay, công tác đào tạo không thể theo kịp nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay... Hiện cả nước chỉ có duy nhất Trường Phi công Bay Việt (Viet Flight Training) đào tạo phi công nhưng với số lượng đào tạo trên dưới 100 phi công/năm thì chỉ như muối bỏ bể.

Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp, sức ép đối với thị trường nhân sự hàng không hiện tại là nguồn cung thiếu trầm trọng. Trước tốc độ phục hồi của thị trường hàng không, nếu không nhanh chóng gia tăng tuyển dụng nguồn nhân sự, đặc biệt các nguồn nhân sự đặc thù như phi công, tiếp viên, thợ máy thì nguy cơ thiếu hụt là hiện hữu.

Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo

Theo bà Nguyễn Thị Hải Hằng - Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, thực tế hiện nay, ngành HKVN chưa tạo được chính sách phù hợp, hấp dẫn để thu hút nhân lực chuyên môn cao. Đội ngũ nhân sự vẫn còn hạn chế về kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng mềm còn hạn chế tập trung ở lĩnh vực khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay. Thêm vào đó, ngành HKVN chưa thực hiện được việc thành lập một trung tâm đào tạo phi công cơ bản đầy đủ tại Việt Nam nên chưa chủ động được nguồn nhân lực này.

Bà Hằng cho biết thêm, hiện nay việc chuyển giao công nghệ chưa tương xứng với tầm vóc của Học viện, chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành HKVN. Do đó, số ngành đào tạo và số lượng sinh viên tuyển sinh của Nhà trường thời gian qua còn hạn chế, từ đó hiệu quả sử dụng bộ máy điều hành thấp, chưa có nguồn tích lũy tài chính dồi dào để đầu tư phục vụ những mục tiêu phát triển phía trước của đơn vị. Năm học 2022 - 2023, Học viện tuyển sinh 2.635 sinh viên các hệ. Trong đó, ngành Quản lý hoạt động bay là 119 sinh viên, Kỹ thuật hàng không là 106 sinh viên - một con số ít ỏi trong tổng nhu cầu của thị trường.

Giai đoạn 2020 - 2030, HKVN cần nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho các sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác, cũng như nhân lực phục vụ các doanh nghiệp vận tải hàng không. Thêm vào đó, thực trạng quá tải cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không, sân bay, sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật máy bay... làm xuất hiện sự khủng hoảng thiếu và xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành HKVN. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành HKVN luôn là nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý và các đơn vị đào tạo nhân lực hàng không.

Chủ động tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao

Thời gian qua, ngoài các đơn vị truyền thống thì nhiều doanh nghiệp cũng tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như: Tập đoàn Vingroup, FLC Group, Học viện Hàng không Vietjet, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)...

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực hàng không đòi hỏi các đơn vị phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học để giữ vững vai trò, vị trí của mình trong hệ thống cơ sở đào tạo hàng không quốc gia và khu vực.

"Ngoài các lĩnh vực đào tạo truyền thống mang thương hiệu, sắp tới Học viện HKVN sẽ tập trung nghiên cứu về ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo bảo dưỡng tàu bay và đào tạo về an toàn sân đỗ cho các trang thiết bị đặc chủng. Hiện Học viện còn rất nhiều đề tài nghiên cứu khác từ khía cạnh về kinh tế, logistics trong lĩnh vực hàng không và sẽ được triển khai trong tương lai để phục vụ sự nghiệp phát tiển ngành Hàng không nước nhà", bà Hằng thông tin.

Sự chuẩn bị của Học viện HKVN là cần thiết khi chủ trương xã hội hóa trong đào tạo nhân lực hàng không đang được đẩy mạnh và thu được kết quả khả quan, góp phần giải quyết bài toán thiếu hút lao động vốn là căn bệnh trầm kha của ngành. Tuy nhiên, theo bà Hằng, chủ trương này chưa được triển khai mạnh nên chưa khai thác hết tiềm năng xã hội. Mặt khác, theo ông Trịnh Ngọc Thành, đa số các hãng bay có quy trình đào tạo riêng, tạo ra chất lượng khác biệt với các hãng khác. Do đó, cần có sự đồng bộ trong chương trình và kiểm định chất lượng trong đào tạo nhân lực hàng không, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho HKVN.

Trước thực tiễn của xã hội, các cơ sở giáo dục cần gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm, xây dựng mối quan hệ bền chặt, tương hỗ giữa đào tạo và thực tiễn. Ở đây, các cơ sở đào tạo nhân lực hàng không và doanh nghiệp hàng không cần có sợi dây liên kết chặt chẽ để phát huy cao nhất hiệu quả trong hoạt động liên kết, hợp tác. Ngoài ra, tăng cường hợp tác với nước ngoài trong công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không nhằm đào tạo nhân lực hàng không theo chương trình chất lượng cao là hướng đi cần tiếp tục được chú trọng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng phạm vi toàn cầu.