Thai Airways đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Ảnh: Nikkei. |
Bước qua giai đoạn 2015-2017 đầy u ám, Thai Airways không chỉ đánh mất đà tăng trưởng mà còn phải gồng mình cạnh tranh với hơn 10 hãng bay giá rẻ nội địa được cấp phép ồ ạt.
Đỉnh điểm của những khó khăn mà Thai Airways đang gặp phải đã phơi bày qua thông điệp mà chủ tịch hãng gửi tới nhân viên, kêu gọi sự đồng lòng, "hoặc hãng hàng không quốc gia sẽ phải đóng cửa".
Ngày 22/10, truyền thông Thái Lan đồng loạt đưa tin về việc Chủ tịch Thai Airways Sumeth Damrongchaitham gửi thông điệp tới toàn bộ nhân viên của hãng để kêu gọi sự đồng thuận trong nỗ lực cải tổ.
Từ 4 sao Skytrax tới khủng hoảng
"Hôm nay tôi muốn toàn bộ nhân viên hãy đoàn kết để vượt qua thử thách. Bằng không, hãng hàng không quốc gia sẽ phải đóng cửa. Vẫn còn thời gian để cứu vãn, nhưng thời gian không còn nhiều", ông Sumeth phát biểu tại một buổi đào tạo nội bộ.
Là một trong những hãng hàng không đầu tiên của Đông Nam Á được Skytrax đánh giá 4 sao, ít ai ngờ rằng chỉ 10 năm sau, Thai Airways đang phải co cụm để bảo vệ thị phần ít ỏi còn lại.
Dù là hãng hàng không quốc gia, Thai Airways chỉ nắm khoảng 9% thị trường vận chuyển hành khách nội địa. Trong 8 năm kinh doanh gần nhất, hãng lỗ tới 6 năm, 1 năm hòa vốn và chỉ năm 2012 là có lãi.
Trong giai đoạn 2011-2018, hãng đã lỗ lũy kế gần 60 tỷ baht, tương đương gần 2 tỷ USD. Từ năm 2012 đến năm 2016, doanh thu của Thai Airways liên tục đi xuống.
Ban lãnh đạo của Thai Airways đã thực hiện kế hoạch tái cấu trúc đầy tham vọng vào năm 2015 với mục tiêu hãng bay sẽ sinh lời trở lại vào năm 2018. Tuy nhiên kết quả kinh doanh 2018 của hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã không như kỳ vọng của giới chủ.
Năm 2018, ông lớn hàng không của Thái Lan lỗ 11,6 tỷ baht (hơn 383 triệu USD), tăng mạnh so với mức 2,1 tỷ (69 triệu USD) trong năm 2017. Theo Bangkok Post, tính tới tháng 10/2019, tổng nợ của Thai Airways đã lên tới hơn 100 tỷ baht (3,3 tỷ USD).
Tính tới cuối năm 2018, hãng cũng chỉ còn trong tay 10 đường bay nội địa. Để tương quan so sánh, Vietnam Airlines hiện có tới 21 đường bay nội địa dù thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá kém phát triển hơn so với Thái Lan.
Ai đã đẩy Thai Airways tới đường cùng?
Là hãng hàng không truyền thống duy nhất tại thị trường Thái Lan, Thai Airways không có đối thủ trực tiếp tại thị trường nội địa nếu đối đầu về sản phẩm dịch vụ bay.
Tuy nhiên, đối thủ mà hãng gặp phải thậm chí còn "khó chơi" hơn nhiều lần. Đó là hàng chục các hãng hàng không giá rẻ ra đời chỉ trong vài năm từ 2010 tới 2015.
Trong giai đoạn 2010-2015, Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan đã cấp phép cho khoảng 22 hãng bay, một con số cao bất thường. Gần như toàn bộ các hãng bay này hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ.
Việc cấp phép bay quá dễ dàng đã khiến hàng không Thái Lan trở thành đấu trường khắc nghiệt. Tính tới năm 2019, chỉ còn 8 hãng trong số này tiếp tục hoạt động, trong khi 14 hãng đã sớm phải đóng cửa.
Sự xuất hiện của hàng chục hãng bay giá rẻ cũng khiến mặt bằng giá máy bay tại Thái Lan giảm sâu, hành khách có thêm nhiều lựa chọn và dịch vụ của Thai Airways lập tức rơi vào phân khúc đắt đỏ, kén khách.
Bối cảnh năm 2015 càng trở nên khó khăn cho Thai Airways khi nhà chức trách hàng không tại Thái Lan bị Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) "rút thẻ đỏ" nâng kiểm soát an toàn bay do không thể đáp ứng được những yêu cầu mà ICAO đưa ra.
Cụ thể, ICAO đã đưa ra các quan ngại về việc đảm bảo an toàn bay của ngành hàng không Thái Lan, chủ yếu đến từ việc Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan cấp phép bay cho quá nhiều hãng trong thời gian ngắn.
Thẻ đỏ từ ICAO đồng nghĩa hàng không nhiều nước trong khu vực sẽ kiểm soát chặt hơn các chuyến bay đến từ các hãng hàng không Thái Lan. Thai Airways không thể khai thác được những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Đây là đón giáng mạnh vào tham vọng tái cấu trúc của Thai Airways, khiến doanh thu năm 2016 của hãng thấp kỷ lục và tham vọng có lãi vào năm 2018 đổ bể.
Khó khăn càng thể hiện rõ hơn khi hãng hàng không quốc gia Thái Lan thậm chí còn cân nhắc hủy bỏ 6 đường bay tới 4 nước láng giềng Đông Nam Á, bao gồm các đường bay từ từ sân bay Suvarnabhumi Airport (Bangkok) tới Vientiane và Luang Prabang (Lào), Phnom Penh (Campuchia), Yangon (Myanmar), Hà Nội và TP.HCM.
Toàn bộ những đường bay này dự kiến được hãng chuyển sang cho Thai Smile, hãng bay giá rẻ thuộc Thai Airways, khai thác để cạnh tranh với các hãng bay giá rẻ trong nước và trong khu vực.
Sự ra đời ồ ạt của các hãng bay giá rẻ đã nâng tính cạnh tranh tại thị trường hàng không Thái Lan lên cao, khiến nhiều hãng bay "bật bãi" và số phận của gã khổng lồ Thai Airways hiện cũng đã trở nên mong manh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.