Hàng không Việt Nam đạt mức cao hơn yêu cầu của ICAO về năng lực đảm bảo an toàn

Tác giả: L.C

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/09/2024 15:29

Đây là kết quả đánh giá tổng thể của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam từ ngày 15/5 – 27/5/2024.

Hàng không Việt Nam đạt mức cao hơn yêu cầu của ICAO về năng lực đảm bảo an toàn - Ảnh 1.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - International Civil Aviation Organisation) đã thực hiện đánh giá tổng thể năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam từ ngày 15/5 – 27/5/2024 (Trong ảnh: Cảng HKQT Nội Bài an toàn khai thác trở lại sau bão YAGI). Ảnh: NIA

Cục Hàng không Việt Nam thông tin, vừa qua, Đoàn Thanh sát An toàn hàng không toàn cầu - Giám sát liên tục USOAP-CMA (Universal Safety Oversight Audit Programme - Continuous Monitoring Approach) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO - International Civil Aviation Organisation) đã thực hiện đánh giá tổng thể năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam từ ngày 15/5 – 27/5/2024.

Đây là Chương trình thanh sát an toàn hàng không toàn diện sau các đợt thanh sát kiểm chứng (ICVM) tại Việt Nam vào các năm 2011, 2016.

Đợt thanh sát lần này tập trung đánh giá năng lực của mỗi quốc gia trong công tác đảm bảo an toàn hàng không thông qua Chỉ số thực hiện hiệu quả (Effective Implementation-EI) trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu (Critical Element-CE), gồm: Hệ thống pháp luật (LEG); Cơ cấu tổ chức (ORG); Cấp phép nhân viên (PEL); Khai thác tàu bay (OPS); Đủ điều kiện bay của tàu bay (AIR); Điều tra tai nạn (AIG); Quản lý hoạt động bay (ANS) và Quản lý cảng hàng không sân bay (AGA).

Ngày 16/8/2024, ICAO đã gửi dự thảo Báo cáo kết quả thanh sát USOAP-CMA cho Việt Nam, với các kết quả cụ thể thực hiện hiệu quả trong từng lĩnh vực như sau: Hệ thống pháp luật (LEG) đạt 71,43%; Cơ cấu tổ chức (ORG) đạt 81,82%; Cấp phép nhân viên (PEL) đạt 85,88%; Khai thác tàu bay (OPS) đạt 85,71%; Đủ điều kiện bay của tàu bay (AIR) đạt 79,25%; Điều tra tai nạn, sự cố tàu bay (AIG) đạt 30,12%; Quản lý hoạt động bay (ANS) đạt 91,80% và Quản lý cảng hàng không sân bay (AGA) đạt 83,85%.

Với các kết quả tổng thể đạt 78,14%, đây là mức cao hơn so với yêu cầu của ICAO đối với các quốc gia về đạt điểm số trung bình là 75% (so với mục tiêu 75% của Chương trình an toàn toàn cầu về hàng không của ICAO – Global Aviation Safety Plan).

Các lĩnh vực trọng yếu cấu thành hệ thống bảo đảm an toàn hàng không của Việt Nam đều đạt ở mức cao (trên 80%), gồm: Khai thác tàu bay (85,71%); Quản lý hoạt động bay (91,80%); Quản lý cảng hàng không sân bay (83,85%); Cấp phép nhân viên (85,88%) và Cơ cấu tổ chức (81,82%). Điều này thể hiện Việt Nam đã duy trì tốt và vững chắc hệ thống giám sát an toàn hàng không.

ICAO đã yêu cầu các quốc gia thành viên tổ chức và duy trì cơ quan điều tra sự cố, tai nạn hàng không độc lập với Nhà chức trách hàng không dân dụng.

Theo đó, Phụ ước 13 Công ước Chicago yêu cầu các quốc gia thành viên thành lập và duy trì Nhà chức trách điều tra độc lập với các Nhà chức trách hàng không dân dụng và các cơ quan liên quan khác. Điều này nhằm mục đích đảm bảo rằng các cuộc điều tra tai nạn được tiến hành một cách khách quan, độc lập nhằm duy trì một hệ thống an toàn hàng không tin cậy.

Ngoài ra, Tuyên bố tại Hội nghị các Bộ trưởng hàng không dân dụng châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 tại Bắc Kinh (Tuyên bố Bắc Kinh) cũng khẳng định cam kết của các Quốc gia trong việc lập một Cơ quan điều tra tai nạn độc lập với Nhà chức trách hàng không để đảm bảo tính khách quan và không bị can thiệp trong quá trình điều tra.

Nhận diện được vấn đề này, tháng 2/2024, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ tại Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (Luật HKDDVN sửa đổi), trong đó đã báo cáo về sửa đổi liên quan đến tách nội dung điều tra sự cố, tai nạn tàu bay ra khỏi vai trò Nhà chức trách hàng không nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai, thi hành Luật HKDDVN và phù hợp với yêu cầu của ICAO.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, với kết quả đánh giá của ICAO như đã nêu trên, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có kết quả đánh giá USOAP-CMA cao trong khu vực, nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (65,5%) và mức trung bình của thế giới (69,9%). Những kết quả đạt được đã ghi nhận những nỗ lực to lớn của Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành hàng không Việt Nam.

Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tập trung khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động khắc phục (Corrective Actions Plan-CAP) nhằm khắc phục những phát hiện được chỉ ra trong báo cáo Thanh sát USOAP-CMA, đồng thời nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn của ngành Hàng không Việt Nam và chỉ số thực hiện hiệu quả các yếu tố trọng yếu trong hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam lên từ 85-90%.

Chương trình Thanh sát An toàn hàng không toàn cầu - Giám sát liên tục (USOAP CMA) được Hội đồng ICAO xây dựng và tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội đồng ICAO lần thứ 32 nhằm thực hiện các cuộc thanh sát an toàn hàng không bắt buộc, có hệ thống và có tính chất định kỳ do ICAO tổ chức thực hiện. Chương trình áp dụng cho tất cả các Quốc gia thành viên và kết quả được công bố công khai và minh bạch.

Các cuộc thanh sát an toàn hàng không là nhằm đạt được mục tiêu hàng đầu của ICAO là đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không quốc tế trên toàn thế giới, xử lý các mối quan ngại nghiệm trọng về an toàn hàng không được chỉ ra thông qua các đợt thanh sát về an toàn. Xác định được tầm nghĩa quan trọng của Chương trình USOAP-CMA, ngày 12/10/2011, Cục Hàng không Việt Nam và ICAO đã ký một Bản ghi nhớ (MOU) về Chương trình giám sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) theo phương thức Giám sát liên tục (CMA).


Ý kiến của bạn

Bình luận