Hàng không Việt Nam đặt mục tiêu đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á

Giao thông 24h 24/03/2015 09:57

Theo dự thảo đề án tái cơ cấu vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 đang được Cục Hàng không xây dựng, Việt Nam đặt mục tiêu đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á về loại hình vận tải này vào năm 2020, với đội hình máy bay thương mại khoảng 190 – 210 chiếc.


Vietnam Airlines dự kiến có từ 140-150 máy bay vào năm 2020

Vietnam Airlines dự kiến có từ 140-150 máy bay vào năm 2020

Cụ thể, đề án đặt mục tiêu đến 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành giao thông vận tải; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%; qua đó đưa thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN.

Đến năm 2020, ngành hàng không đặt mục tiêu vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, theo đó sẽ có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không quốc tế được công bố; tăng tần suất các trên các đường bay hiện tại đến toàn bộ các cảng hàng không nội địa với tối thiểu 7 chuyến/tuần, đồng thời tất cả các hãng hàng không đều có hoạt động khai thác thường lệ trên tất cả các đường bay phục vụ kinh tế – xã hội.

Liên quan đến nội dung phát triển đội tàu bay, ngành sẽ tăng số lượng máy bay theo hướng sử dụng các thế hệ tàu bay áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt từ 190-210 chiếc; các hãng hàng không truyền thống sẽ xếp hạng 4-5 sao theo tiêu chí đánh giá của Skytrax trong khi các hãng chi phí thấp có chất lượng ngang bằng với các hãng hàng không cùng loại trong khu vực.

Bên cạnh đó, giữ tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam ở mức từ 12-15%; giảm tỷ lệ không hài lòng của hành khách đối với dịch vụ hàng không qua các năm.

Trong tổng số 190-210 chiếc máy bay dự kiến có được vảo năm 2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có 140 – 150 chiếc (sở hữu 70 – 80 chiếc), các hãng hàng không khác dự kiến có thêm 50 – 60 chiếc; tàu bay tầm ngắn khoảng 60 – 70 chiếc (sở hữu 30 – 35 chiếc), tàu bay tầm trung 30 – 35 chiếc (sở hữu 17-20 chiếc), tàu bay tầm xa 20 – 24 chiếc (sở hữu 10-12 chiếc), tàu bay chở hàng khoảng 8-10 chiếc (sở hữu 3-5 chiếc).

Về mở rộng khai thác thị trường hàng không, trong giai đoạn 2015-2020, Vietnam Airlines mở các đường bay mới đến Hoa Kỳ (San Francisco, Los Angeles), Ấn Độ (New Delhi, Mumbai), New Zealand (Wellington), UAE (Dubai), Qatar (Doha), điểm thứ 3 tại Úc (Brisbane, Perth); các đường bay quốc tế thường lệ đi/đến Phú Bài, Cần Thơ.

Vietjet Air cũng sẽ tham gia khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, không thường lệ đi/đến từ Việt Nam tới các điểm tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á và châu Âu.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không, năm 2014 đã có 45 hãng hàng không nước ngoài thuộc 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi/đến Việt Nam với 83 đường bay từ 47 điểm đến Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng.

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tham gia của hầu hết các hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới như Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Thai Airways (Đông Nam Á), All Nippon Airways, China Southern Airlines, Japan Airlines, Cathay Pacific, Korean Air, Asiana Airlines (Đông Bắc Á), United Airlines, FedEx (Bắc Mỹ), Aeroflot, Air France (Châu Âu), Qatar Airways, Etihad (Trung Đông)…

Bên cạnh các hãng hàng không truyền thống, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự tham gia của hàng loạt các hãng hàng không chi phí thấp như AirAsia Berhad, Jetstar Asia, Tiger Airways, Thai AirAsia, Cebu Pacific, Lion Air, Indonesia AirAsia, VietJet Air.

Hiện tại, có 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thị trường là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO và Vietjet Air, trong đó Jetstar và Vietjet khai thác theo định hướng chi phí thấp (LCC, hay còn được gọi là hãng hàng không giá rẻ) đồng thời Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, sở hữu hoàn toàn thuộc về tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Các hãng hàng không Việt Nam, chủ yếu là Vietnam Airlines, hiện đang khai thác 56 đường bay quốc tế đến 32 thành phố của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối với thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 46 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM với 17 sân bay địa phương.

Theo vneconomy

Ý kiến của bạn

Bình luận