Hàng nghìn người Nhật chết vì làm việc quá sức mỗi năm

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
16/09/2016 14:12

Hai “thủ phạm” chính được cho là gây ra hiện tượng Karoshi (chết vì làm việc quá sức) gồm căng thẳng và thiếu ngủ.

hangnghinnguoinhatchetvilamviecquasucmoinamstressv
 Cảnh tượng tại sàn chứng khoán Tokyo Stock Exchange vào năm 1992. Ảnh: Getty.

Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là “Chết vì làm việc quá sức”. Đây là một hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng tại quốc gia châu Á. Làm việc quá sức cũng là cụm từ xuất hiện rất nhiều trên tiêu đề các bài báo suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: liệu làm việc quá sức có thực sự là nguyên nhân dẫn đến cái chết hay chỉ là sự suy đoán?

Karoshi

Hiện tượng Karoshi được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1987 khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nhiều ca tử vong đột ngột của giám đốc các công ty. Nếu một trường hợp tử vong được xác nhận là vì làm việc quá sức, gia đình nhạn nhân sẽ nhận khoản tiền bồi thường 20.000 USD/năm từ chính phủ và 1,6 triệu USD/năm từ công ty mà người đó làm việc, theo BBC.

Thời gian đầu, chính phủ Nhật chỉ ghi nhận vài trường hợp chết vì làm việc quá sức mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2015, con số này tăng lên mức kỷ lục - 2.310 trường hợp, theo Bộ Lao động Nhật. Dù vậy, đây có thể chỉ là bề nổi bởi theo Hội đồng bảo vệ nạn nhân Karoshi Quốc gia, con số thực tế là 10.000 người – bằng số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn giao thông tại Nhật.

Tuy nhiên, liệu tất cả các trường hợp tử vong đó là do làm việc quá sức, hay do các nguyên nhân khác như tuổi tác hoặc mắc bệnh nhưng không biết?

Trường hợp điển hình của hiện tượng Karoshi là Kenji Hamada, nhân viên một công ty bảo mật có trụ sở tại Tokyo. Một tuần thông thường của Hamada là những ngày dài làm việc tới 15 tiếng và 4 tiếng di chuyển vất vả.

Một ngày của năm 2009, các đồng nghiệp thấy Hamada nằm dưới gầm bàn và nghĩ ông đang ngủ. Khi thấy Hamada không chuyển mình vài giờ sau đó, mọi người mới biết, ông đã chết vì một cơn đau tim. Khi đó, ông 42 tuổi.

Báo động

"Sau thất bại trong Thế chiến II, người Nhật Bản có số giờ làm việc lâu nhất trên thế giới. Họ là những người làm việc cần mẫn với yêu cầu cao nhất”, Cary Cooper, chuyên gia về stress tại Đại học Lancaster, nhận định.

Thời kỳ hậu chiến tranh, người lao động làm việc không chỉ vì vấn đề tài chính, mà còn lấy công việc làm “niềm vui”. Tuy nhiên, khoảng thời gian này kéo dài không bao lâu bởi vào giữa những năm 1980, kinh tế Nhật Bản biến động khi giá cổ phiếu và bất động sản tăng cao và kéo dài.

Kết quả là sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế, hay được gọi là "nền kinh tế bong bóng" đã đẩy những người “làm công ăn lương” phải làm việc cật lực, đạt tới mức giới hạn.

Ở đỉnh cao của nền kinh tế bong bóng, gần 7 triệu người (tức khoảng 5% dân số Nhật Bản khi đó) “quay cuồng” với 60 giờ làm việc mỗi tuần. Trong khi, người lao động Mỹ, Anh và Đức chủ yếu vẫn duy trì lịch làm việc bắt đầu từ 9h và kết thúc lúc 17h trong ngày.

Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 1989, 45,8% giám đốc và 66,1% trưởng bộ phận trong các công ty lớn ở Nhật nghĩ, bản thân họ sẽ chết vì làm việc quá sức.

Vào cuối những năm 1980, số nhân viên văn phòng chết vì làm việc quá sức mỗi năm tăng cao buộc chính phủ Nhật Bản lưu tâm.

Hiện tượng Karoshi khi đó trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và Bộ Lao động Nhật Bản bắt đầu phát hành các số liệu thống kê. Theo đó, danh sách Karoshi gồm những nạn nhân làm việc quá 100 giờ/tháng trước khi chết hoặc quá 80 giờ/tháng trong 2 tháng liên tiếp.

Khi kinh tế bong bóng sụp đổ vào đầu những năm 1990, “văn hóa” làm việc quá sức chỉ tồi tệ thêm.

Trong những năm sau, được gọi là "thập kỷ mất mát", số lượng người thuộc nhóm Karoshi cao bằng số lượng người chết vì dịch bệnh.

Karoshi ghi nhận cái chết của những người đàn ông trung niên mắc các bệnh như tim hoặc tiểu đường. Nhưng số lượng ca tử vong liên quan tới người trẻ, khỏe mạnh – như bác sĩ, giáo sư đại học và các kỹ sư - lại là điều báo động.

Làm việc quá sức có thực sự gây chết người?

Trong hàng nghìn trường hợp, hai “thủ phạm” chính được cho là gây ra hiện tượng Karoshi là căng thẳng và thiếu ngủ. Nhưng liệu chúng có thực sự giết chết bạn?

Đi làm sau một đêm thức trắng là điều thật tồi tệ, nhưng rất hiếm trường hợp tử vong được ghi nhận vì thiếu ngủ.

Trong khi rất nhiều bằng chứng cho thấy thiếu ngủ có thể giết chết bạn theo cách gián tiếp bởi nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, rối loạn hệ thống miễn dịch, tiểu đường và một số dạng ung thư, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận do thức trắng trong nhiều giờ.

Tóm lại, thiếu thiếu ngủ, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn, nhưng có vẻ như bạn sẽ không tử vong sau một đêm dài thức trắng trong văn phòng.

Kỷ lục thế giới về người tỉnh táo lâu nhất thuộc về Randy Gardner khi ông không ngủ liên tục suốt 264 giờ (11 ngày) vào năm 1964. Vào ngày cuối cùng, Randy tham dự một cuộc họp báo và sau đó ngủ liền trong 14 tiếng, 40 phút. Ông Randy hiện sống tại San Diego (Mỹ).

Thiếu ngủ có thể dẫn tới các bệnh gây chết người nhưng chưa có trường hợp nào tử vong vì thức liên tục. Ảnh: iStock.

Với yếu tố căng thẳng, hiện chưa có bằng chứng cho thấy stress gây ra một cơn đau tim hoặc dẫn tới bệnh tim, dù nó có có thể khiến bạn dễ mắc vài thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu hoặc có một chế độ ăn nghèo dinh dưỡng.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra Karoshi?

Một kết luận thú vị khác cho thấy, căng thẳng hoặc thiếu ngủ có thể không là nguyên nhân gây ra hiện tượng Karoshi, mà thời gian bạn ở văn phòng mới chính là “thủ phạm”.

Bằng cách phân tích các thói quen và hồ sơ sức khỏe của hơn 600.000 người, các nhà nghiên cứu chỉ ra, 1/3 số người ngồi lỳ tại bàn làm việc 55 tiếng/tuần có khả nặng bị đột quỵ cao hơn so với những người làm việc ít hơn 40 tiếng/tuần.

Dù chưa có kết luận cuối cùng, nhóm nghiên cứu cho rằng, đột quỵ đơn giản là “hậu quả” của việc nhiều người ngồi quá lâu tại bàn làm việc.

Ý kiến của bạn

Bình luận