ACV trả lời các câu hỏi quan tâm từ hơn 350 nhà đầu tư tổ chức, cá nhân |
Ngày 23/11 tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 350 tổ chức, cá nhân khu vực phía Nam đã tham dự hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ACV do Tổng Cty Cảng HKVN (ACV) và Cty chứng khoán BSC tổ chức. Trước đó, vào ngày 19/11/2015, một hội thảo tương tự đã được tổ chức tại Hà Nội với 300 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân quan tâm đến cơ hội đầu tư cổ phiếu của ACV.
Tại hội thảo, đại diện Bộ GTVT, lãnh đạo ACV đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, giải đáp các câu hỏi về tiềm năng phát triển, cơ hội đầu tư vào ACV. Đại diện BSC đã trình bày các phân tích, đánh giá về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ACV dưới góc độ một tổ chức tư vấn độc lập để giúp các nhà đầu tư có thêm những thông tin tham khảo trước khi đăng ký tham gia đợt đấu giá ngày 10/12 tới đây.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐTV ACV cho biết: ACV hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước (bao gồm 7 cảng hàng không quốc tế và 15 cảng hàng không quốc nội) trong đó có 21 cảng hàng không đang khai thác, góp vốn vào một số công ty con và công ty liên kết.
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành hàng không theo quy hoạch của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2012 đến nay, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế. ACV đã tập trung mọi nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của TCT) để mở rộng, nâng cấp, hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thành hệ thống cảng hàng không hiện đại theo tiêu chuẩn Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Các dự án đầu tư của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đều thực hiện đúng quy hoạch, hòan thành đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng đều phát huy ngay hiệu quả kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Các cảng hàng không được đầu tư khang trang, hiện đại và tiện nghi hơn, đảm bảo an ninh an toàn. Năng lực khai thác của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng từ 45,15 triệu hành khách/năm (năm 2011) lên gần 70 triệu hành khách/năm (năm 2015).
Từ khi thành lập đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam luôn duy trì tốc độ phát triển cao và ổn định, đảm bảo an ninh an toàn trong mọi tình huống, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn, chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Trong 3 năm (từ 2012 đến 2014), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã phục vụ trên 132,608 triệu lượt hành khách, tăng trung bình khoảng 16%/năm; đảm bảo an tòan tuyệt đối cho trên 1,006 triệu lượt chuyến bay, tăng trung bình 9,97%/năm; vận chuyển trên 2,284 triệu tấn hàng hóa – bưu kiện, tăng trung bình 15,29%/năm; tổng doanh thuđạt 28.114 tỷ đồng, tăng trung bình 14,86%/năm; lợi nhuận sau thuếthu nhập doanh nghiệp đạt 6.342 tỷ đồng, tăng trung bình 29,75%/năm; vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng từ 14.805 tỷ đồng (khi hợp nhất năm 2012) lên 19.833 tỷ đồng (năm 2014), tăng 33,96%.
9 tháng đầu năm 2015, sản lượng hành khách của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt trên 46,5 triệu hành khách, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển trên 716.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng 16,1%; phục vụ 331.775 lượt chuyếncất hạ cánh, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2014.
Việc cổ phần hóa, chuyển đổi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang loại hình doanh nghiệp cổ phần sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, tham gia quản lý, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tạo bước phát triển mạnh mẽ và thành công hơn nữa trong sản xuất kinh doanh.
ACV- CTCP có vốn điều lệ: 22.430.985.040.000 đồng (hai mươi hai nghìn, bốn trăm ba mươi tỷ, chín trăm tám mươi lăm triệu, không trăm bốn mươi nghìn đồng). Tổng số cổ phần:2.243.098.504 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, trong đó:
Cổ phần Nhà nước nắm giữ:1.682.323.878 cổ phần(tương đương75% vốn điều lệ), Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là: 9.220.000 cổ phần (tương đương 0,41% vốn điều lệ). Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là: 22.127.800 cổ phần (tương đương 0,99% vốn điều lệ). Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp: 3.003.003 cổ phần (tương đương 0,13% vốn điều lệ). Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược:448.619.701 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ). Riêng trong đợt IPO ngày 10/12 tới đây Cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường là: 77.804.122cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ) với giá khởi điểm: 11.800đồng/01 cổ phần.
Một số nhà đầu tư băn khoăn như việc lợi nhuận chưa cao, chỉ bằng ½ trong khu vực, 5/22 cảng thì mới thấy có cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài là có lãi, đại diện ACV trả lời khá thỏa đáng. Sản phẩm có lãi thu được chủ yếu dựa vào lượt chuyến bay/ tấn hàng hóa, hang loạt cảng hàng không được cải tạo đồng nghĩa với việc tăng chi phí, giảm nguồn thu, những cảng hàng không đã đầu tư thì khấu hao giảm dần và có lãi. Nhưng tính tổng thể lại ACV làm ăn có lãi khi tính them các khâu dịch vụ, số lần hạ cất cánh.
Chính vì hạ tầng cảng hàng không có nơi còn yếu, cần đầu tư đồng bộ nên tỷ lệ khấu hao cũng cao hơn trong khu vực, vốn là các cảng hàng không lâu đời đã hết khấu hao. Cách lựa chọn mức lợi nhuận thấp để dành nguồn tiền tái đầu tư là bước đi khôn ngoan của ACV.
Tư vấn BSC nhận xét độc lập cho thấy, dư địa phát triển của ACV là rất lớn, có sức hút nhà đầu tư, các khoản vay ODA để đầu tư hạ tầng so với vốn chủ sở hữu của nằm trong mức ổn định, an toàn. Lương bình quân của CBCNV thuộc hàng cao của ngành GTVT cũng như ngoài ngành (17 triệu đồng/ người/ tháng).
Nhiều ý kiến quan tâm đến đầu tư xây dựng cảng HKQT Long Thành, trong mối tương quan giữa Long Thành và Tân Sơn Nhất, ACV cho biết có đưa ra 5 kịch bản khai thác song song, và chọn ra một kịch bản ưu việt nhất để phân chia khai thác là Long Thành (80% cho quốc tế, 20% quốc nội) và ngược lại Tân Sơn Nhất là 20% quốc tế và 80% quốc nội).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.