Lò gạch thủ công cách trường tiểu học xã Nghĩa Mỹ chỉ hơn chục bước chân. Ảnh: Thạch Thảo. |
Làm gạch, ngói thủ công là nghề truyền thống ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Con đường từ Quốc lộ 1 vào xã chỉ vài trăm mét nhưng có đến hàng chục lò gạch chen vào giữa khu dân cư.
Quanh năm, các lò gạch thay phiên nhau đốt lò xả khói "xông" nhà cửa, hoa màu. Đặc biệt, trường tiểu học Nghĩa Mỹ, có 27 giáo viên và 480 học sinh, cách lò gạch chỉ hơn chục bước chân trở thành nơi hứng khói suốt 20 năm qua.
Cô Phạm Thị Xuân Trinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được xây theo kiến trúc hình chữ U, mặt tiền nhìn về phía Đông. Ngay trước cổng trường là bốn lò gạch thủ công hoạt động quanh năm. Những ngày gió thổi hướng Tây, hàng trăm học sinh và giáo viên phải dạy, học chung với khói.
"Khói từ lò gạch rất độc, gây khó thở, đặc biệt với các cô giáo đang mang thai hoặc mới về trường công tác", cô Trinh than phiền. Khổ sở nhất là các em học sinh khối lớp 4, 5, được bố trí phòng học ở dãy phòng phía Đông.
Dẫn chứng cho độ độc của khói từ lò gạch, giáo viên cho biết cây xanh trong sân trường cũng bị rụng lá. "Vừa qua chúng tôi định chặt bỏ hàng dương liễu trước trường vì vướng đường dây điện, nhưng sau khi bàn lại thì quyết định không chặt vì mất hàng cây thì không có gì chắn khói", lãnh đạo nhà trường nói.
Các phụ huynh cũng cho biết đã kiến nghị với địa phương di dời các lò gạch nhưng đến nay "lò hun khói" vẫn hoạt động ngay trước cổng trường.
Từ năm 2013, UBND Quảng Ngãi đã triển khai lộ trình phát triển vật liệu không nung theo quyết định của Chính phủ. Việc thực hiện lộ trình nhằm chấm dứt hoạt động của các lò gạch truyền thống, gây ô nhiễm sang phương pháp sản xuất vật liệu mới thân thiện với môi trường.
Theo lộ trình, các lò gạch thủ công trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư... ở các huyện đồng bằng phải chấm dứt hoạt động trước năm 2013. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện lộ trình này vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Công Binh - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết, toàn xã hiện còn 19 lò gạch thủ công. Việc các lò gạch xả khói, bụi đã gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, làm chết lúa, hoa màu của người dân.
Phó chủ tịch xã cho rằng 4 lò gạch trước trường tiểu học xã Nghĩa Mỹ không chỉ gây ảnh hưởng đến học sinh trường này mà còn ảnh hưởng đến hai trường trung học và mầm non bên cạnh, với tổng số hàng nghìn học sinh.
Lò gạch thủ công ở xã Nghĩa Mỹ xả khói gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Để giảm ô nhiễm cho các trường, lãnh đạo xã đã yêu cầu các chủ lò gạch chọn thời điểm nung để giảm khói vào giờ học. "Tuy nhiên họ vẫn không chấp hành", ông Binh nói.
Theo chủ tịch xã, các lò gạch là nguồn sống của hàng trăm lao động địa phương, phần lớn là phụ nữ, không có khả năng lao động xa xứ hoặc chuyển đổi ngành nghề. Địa phương đã nhiều lần vận động nhưng các chủ lò cho rằng họ không đủ vốn đầu tư và đảm bảo lợi nhuận nếu chuyển từ phương pháp thủ công sang sản xuất bằng công nghệ.
Ông Binh cho biết, quỹ đất của xã không đủ để dời các lò gạch đi nơi khác, nên sẽ kiến nghị lên cấp trên. "Để chuyển đổi sang sản xuất gạch thân thiện với môi trường, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chủ lò, tạo việc làm cho người lao động", lãnh đạo xã nhìn nhận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.