Ảnh minh họa |
Thật đáng sợ khi phải nghĩ, rất nhiều người đang chết đi vì làm việc quá sức. Vì sao phải thế, làm việc đến kiệt quệ như vậy để làm gì?
Để kiếm tiền ư? Nhưng liệu có ai trả nổi cái giá quá đắt khi phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình và để lại nỗi đau đớn dày vò người thân?
Hay là vì trách nhiệm, nhất là ở những xã hội phát triển, đề cao hai con chữ đầy sức nặng này như Nhật Bản và Hàn Quốc?
Những câu hỏi trên vẫn chưa có câu trả lời. Vì nếu giải đáp được thấu đáo thì làm gì người Nhật có từ "Karoshi" hay người Hàn có từ "Gwarosa" - đều dùng để chỉ về hiện tượng làm việc lao lực đến bỏ mạng!
Đó không còn là những trường hợp đơn lẻ hay những hồ sơ gây sửng sốt được xếp vào 1 thư mục chung nữa. Từ lâu, đó đã là những hiện tượng khiến chúng ta phải lo ngại và giờ nó lan ra nhanh hơn cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là sau khi một ai đó qua đời vì làm việc quá sức, gánh nặng vẫn đè lên vai người thân họ.
Câu chuyện của bà Park ở Hàn Quốc sau khi người chồng qua đời vì Gwarosa
Bà Park Hyun-suk phải vất vả lắm mới tìm được tấm hình ông Chae Soo-hong không mặc đồng phục lao động hay đồ vest văn phòng, nói gì đến bức hình chụp chung của 2 người.
Ông Chae trong bộ đồ bảo hộ, và 1 bức hình hiếm hoi mà hai vợ chồng ông chụp chung với nhau
Ông Chae làm việc ở công ty cung cấp món jangjorim - món ăn nổi tiếng của Hàn Quốc làm từ thịt bò và nước tương. Nhiệm vụ của ông là đảm bảo dây chuyền sản xuất đúng tiến độ và đạt chất lượng ổn định.
Cùng với đà phát triển của công ty, ông Chae cảm thấy áp lực phải làm việc liên tục. Từ lúc nào không biết, căn nhà đối với Chae chỉ là chốn nghỉ chân trước khi quay lại công ty. Chưa hết, sau giờ làm, ông Chae còn giải quyết 1 số vấn đề cho các nhân công nước ngoài - những người chưa thích ứng với cuộc sống hối hả ở Hàn Quốc.
Ông Chae qua đời ở sở làm vào một buổi tối cuối tuần, lúc 7 giờ tối thứ Bảy vào tháng 8/2017. Sáng hôm đó, ông than mệt nhưng bà Park chẳng để ý lắm, vì ông ấy có khỏe bao giờ đâu. Để rồi, khi chồng qua đời, bà Park mãi tự dằn vặt mình: "Đáng lẽ tôi nên biết là ông ấy gặp vấn đề lớn vào sáng hôm đó rồi chứ. Ông ấy không trở về nhà từ hôm thứ 7 nữa".
Ông Chae được các đồng nghiệp phát hiện đã tử vong trên sàn văn phòng công ty, nhưng nguyên nhân cái chết chưa bao giờ được tiết lộ đầy đủ. Bà Park chỉ xót xa chia sẻ: "Khi ông ấy đến làm vào năm 2015, công ty có 30 nhân viên. Đến lúc ông ấy chết, công ty đã tăng lên 80 nhân viên nhưng công việc chưa bao giờ được cắt bớt mà cứ chồng chất thêm".
Ông Chae Soo-hong là 1 trong hàng trăm người qua đời vì Gwarosa ở Hàn Quốc năm 2017, trang CNN dẫn nguồn chính phủ cho biết.
Và bạn biết không, Hàn Quốc là nước có số giờ làm việc trung bình trên đầu người cao thứ nhì xét trong các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, là diễn đàn của 36 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới). Nước đứng đầu là Mexico, thứ hai là Hàn Quốc, kế đến là Mỹ và Nhật Bản (năm 2017).
Đau buồn, dằn vặt và tức giận - những cảm xúc này bùng nổ nhưng chưa dừng lại, kể từ khi bà Park hay tin chồng mình qua đời ở công ty. Vì phía trước, một cuộc chiến với bà đã bắt đầu!
Trận chiến đòi tiền bồi thường
Mặc dù luật Hàn Quốc không chính thức công nhận chết do làm việc quá sức, nhưng COMWEL - Cơ quan Bồi thường Tai nạn Lao động và Phúc lợi - cho rằng nếu người lao động chết do đau tim, đột quỵ và đã phải làm việc hơn 60 tiếng/tuần trong vòng 3 tháng trước khi mất, thì thân nhân họ có thể nhận 1 khoản tiền bù đắp - số tiền đủ giúp gia đình gắng gượng một thời gian khi mất đi trụ cột lao động chính.
Tuy nhiên, bà Park sớm nhận ra rằng các thủ tục để lãnh tiền không hề đơn giản. COMWEL yêu cầu phải chứng minh được ông Chae chết do làm việc quá sức.
"Điều đó rất khó", bà Park nói, "Ông ấy thường rời nhà vào 7 giờ sáng và về lúc 10 giờ đêm, nhưng do công việc phải di chuyển nhiều nên không có ghi nhận giờ làm cụ thể".
Tuy nhiên, bà Park đột nhiên nhớ ra: Mỗi ngày ông Chae có đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc. Park kiên nhẫn thu thập những đoạn băng do camera giám sát ghi lại khi ông Chae đi qua đây hàng ngày và cung cấp cho COMWEL.
Dù cho vào sáng thứ 7, ông Chae đã đi theo tuyến đường khác (và không bao giờ quay về) nhưng cuối cùng, bà Park vẫn được COMWEL xét duyệt nhận tiền bồi thường. Bà là 1 trong số ít những người may mắn được nhận tiền khi thân nhân qua đời vì Gwarosa.
Với bà Park cùng nhiều người đồng cảnh ngộ, nỗi ám ảnh vẫn bám theo cùng những câu hỏi
Mỗi tháng 1 lần, sau khi ông Chae mất, bà Park lại đến căn phòng nhỏ phía nam sông Hàn, gần một chợ cá lớn ở Seoul.
Tại đây bà gặp hơn chục người khác. Họ không có nhiều điểm chung với nhau trừ việc một ai đó trong gia đình họ, thường là bố hay chồng, đã bị công việc "ám sát"!
Buổi gặp gỡ kì lạ, đa phần người tham dự là những góa phụ (ảnh: CNN)
Kang Min-jung, người đứng ra tổ chức những buổi họp mặt này, cho biết cô đã mất đi người chú chăm sóc mình từ tấm bé, ông cũng là nạn nhân của Gwarosa.
"Khi chú mất, tôi đã hỏi TẠI SAO. Tại sao phải làm việc nhiều đến thế? Tôi quyết định đến Nhật Bản để tìm hiểu kĩ hơn về lối làm việc quá sức", cô Kang chia sẻ.
Thật ra, có rất nhiều lí do tùy vào từng trường hợp. Ví dụ như bà Park cho rằng với chồng mình - ông Chae thì nguyên nhân bắt nguồn từ tư tưởng đàn ông phải gánh vác cả gia đình.
"Ông ấy nghĩ rằng làm việc cật lực là điều bình thường. Ông ấy là người của thế hệ bùng nổ dân số - lớp người luôn ám ảnh bởi chuyện làm hết sức để hoàn thành trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình. Không than phiền, và cũng không nghỉ mệt".
"Hàn Quốc là một xã hội YÊU CẦU làm việc ngoài giờ. Mọi người nghĩ như vậy là hiệu quả và năng suất", bà Park chia sẻ ý kiến của mình.
Một người cũng hay có mặt trong các buổi gặp gỡ kì lạ do cô Kang tổ chức - luật sư Kim Woo-tark - cũng cho rằng làm việc hết mình đã là 1 nét văn hóa của xứ kim chi.
Kim nói: "Theo dòng lịch sử, Hàn Quốc từng đứng trước mục tiêu phải tái thiết nhanh chóng sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Vì vậy mọi người đều phải cố gắng sản xuất để vực dậy kinh tế. Dần dà nó ăn sâu vào nếp nghĩ, trở thành văn hóa và tác động mạnh đến xã hội Hàn. Lối nghĩ này vẫn tiếp tục kế thừa trong bối cảnh công nghệ và nhiều lĩnh vực khác phát triển nhanh như hiện nay".
Một lối thoát
Qua những câu chuyện trên, phần nào chúng ta thấy rằng, những người lao đầu vào công việc sao mà giống trên một đường đua nghiệt ngã đến thế!
Họ chạy, chạy mãi, mệt mỏi đến kiệt sức nhưng chẳng bao giờ dừng lại để nghĩ liệu có ngã rẽ nào thoát ra hay không.
Họ chỉ tiếp tục kéo lê theo khối trách nhiệm từ cấp trên và gia đình, từ cách nhìn của xã hội và ý thức của bản thân, để vượt qua các chướng ngại vật đang ở ngay phía trước. Rồi-gục-ngã!
Ngay lập tức, khoảng trống được tạo ra: một vị trí trong cơ quan, một trụ cột trong gia đình. Ít lâu sau, khoảng trống đó được lấp đầy. Những người mới lao đầu vào cuộc đua như trò chơi chạy tiếp sức không ngừng nghỉ. Chỉ là chẳng có ai chiến thắng trên đường đua bất tận này...
Một Seoul không ngủ, một xã hội Hàn Quốc bận rộn
Nhưng tín hiệu đáng mừng là khi có quá nhiều người ngã xuống, chính phủ đã lên tiếng.
Vào tháng 7, 2018, chính phủ ra luật quy định giảm giờ làm tối đa từ mức 68 tiếng/tuần xuống còn 40 tiếng/tuần, trong đó đã bao gồm 12 tiếng trả lương làm việc ngoài giờ.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết: "Quy định mới chính là cơ hội quan trọng để chuyển đổi từ 1 xã hội làm việc quá sức, sang 1 xã hội mà mọi ngươi dành nhiều thời gian hơn với gia đình".
"Điều quan trọng nhất là phải giảm xuống số ca tử vong do làm việc quá sức, thiếu ngủ dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm ở công trường hay khi lái xe".
Tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, ví dụ như nhiều người Hàn chia sẻ với tờ CNN rằng, họ có thể được giảm giờ làm ở công ty nhưng không phải là giảm trách nhiệm hay chỉ tiêu. Vì thế có chăng là chuyển bàn làm việc từ cơ quan về nhà mà thôi!
Hiện tượng làm việc lao lực - Karoshi ở Nhật hay Gwarosa ở Hàn, và những dạng hình tương tự ở khắp các công sở trên thế giới - đã bắt nguồn từ lâu và cũng không thể dừng lại ngay được. Nhưng điều đáng mừng là mọi người đã nhận thấy mối nguy hại để có hành động giảm bớt, ngăn chặn nó.
Còn với những người đang làm việc quá sức như 1 que diêm cháy lửa lớn, xin hãy chậm lại một chút để nghĩ rằng: Khi lửa cháy hết, thứ còn lại chỉ là tàn tro!
Không chỉ có công việc, cuộc sống này còn gia đình, người thân, bạn bè và những giá trị thiêng liêng khác xứng đáng với sự cố gắng của bạn!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.