Hàng trăm công nhân tập trung đình công phía trước cổng Xí nghiệp may Vinatex (KCN Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) sáng ngày 11/6. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hai ngày qua, hơn 350 công nhân Phân xưởng 1, Xí nghiệp may Vinatex Quảng Ngãi (KCN Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) ngừng làm việc yêu cầu doanh nghiệp trả lương thỏa đáng.
Hà - công nhân Xí nghiệp may Vinatex bức xúc cho biết, công ty ký hợp đồng với người lao động khoảng hơn 3 triệu đồng nhưng thực tế công nhân chỉ nhận từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng. Mỗi đợt tăng ca doanh nghiệp đưa ra mức 22.000 đồng mỗi giờ nhưng chỉ nhận được 17.000 đồng.
"Làm việc suốt ngày cơ cực nhưng suất ăn thì rất tệ, chủ yếu là cơm với rau muống, ít cá. Mỗi lần đi trễ bị lập biên bản là họ phạt công nhân trừ vào tiền lương 300.000 đồng. Lương đã thấp bèo, giờ họ tìm cách cắt giảm đủ đường thì sao chúng tôi sống nổi", Hà nói.
Theo nhiều công nhân khác, công ty tăng ca từ 17h đến 19h nhưng không cho ăn tối (bữa tối tự túc). Mỗi khi có khách hàng đến đánh giá xưởng, họ buộc người lao động phải "nói dối" là nhận lương theo hợp đồng đầy đủ, suất ăn đảm bảo chất lượng...
"Tháng nào, lãnh đạo doanh nghiệp cũng hứa hẹn sắp tới có mã hàng ổn định, bảng lương sẽ được điều chỉnh tăng cao. Công nhân không nhận đủ lương theo hợp đồng kéo dài gây bức xúc dồn nén nên ngừng làm việc yêu cầu doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng", chị My thổ lộ.
Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã sang nhượng Xí nghiệp may Vinatex (KCN Tịnh Phong) cho Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ điều hành từ ngày 1/6. Hiện có 1.000 lao động làm việc tại Xí nghiệp này.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Phước - Giám đốc điều hành Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) cho hay, nhận tin người lao động ngưng làm việc từ ngày 10/6, lãnh đạo Tổng công ty từ Đà Nẵng cấp tốc vào Quảng Ngãi để giải quyết vụ việc theo hướng ôn hòa. Đến trưa 11/6 họ mới đồng ý vào hội trường đối thoại.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Tổng Công ty dệt may Hòa Thọ cùng Xí nghiệp may Vinatex (KCN Tịnh Phong) ghi nhận phản ánh, hứa đến thứ 5 (16/6) tuần tới sẽ chính thức trả lời xem xét điều chỉnh lương, sắp xếp giờ làm việc phù hợp nhằm giải tỏa bức xúc người lao động.
Trong khi chờ đợi, Tập thể công nhân cũng đã cam kết thứ hai (13/6) tới sẽ trở lại làm việc ở Xí nghiệp này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.