Hàng trăm phụ huynh cho con đi xét nghiệm ký sinh trùng

16/03/2019 13:56

Sau khi có học sinh trường Thanh Khương (Bắc Ninh) bị kết luận dương tính với sán lợn, nhiều phụ huynh nghỉ việc cho con ra Hà Nội kiểm tra.

Xet-nghiem-6246-1552637614
Kết quả xét nghiệm của một học sinh trường Mầm non Thanh Khương. Ảnh: PHCC

Ngày 15/3, hàng trăm phụ huynh có con học ở trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã nghỉ làm, cho con nghỉ học để đi xét nghiệm ký sinh trùng ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Họ lo con bị nhiễm sán lợn sau lần phát hiện thịt lợn nổi đầy hạch trắng, dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn bán trú ở trường.

Phụ huynh cho biết đã chờ công ty cung cấp thực phẩm cho trường đưa con ra Hà Nội khám như đã hứa, nhưng không thấy động thái gì. "Hôm qua, thông tin hai gia đình cho con ra Hà Nội xét nghiệm, nhận được kết quả dương tính với sán lợn được lan truyền rộng rãi. Chúng tôi sốt ruột quá nên quyết định bỏ tiền cho con đi xét nghiệm", một bà mẹ nói và cho hay kết quả sẽ có sau một tuần.

Ông Nguyễn Công Mười, Phó chủ tịch xã Thanh Khương, cho biết sau nhiều ngày bỏ ăn bán trú, trường Mầm non Thanh Khương đã tổ chức lại với đơn vị cung cấp thực phẩm mới. Phụ huynh đã cho con đi học trở lại sau vài ngày cho các cháu nghỉ ở nhà. Sĩ số học sinh mấy ngày qua luôn đạt gần 500 trên tổng 568. "Nhưng hôm nay, chỉ hơn 100 trẻ tới trường. Nhiều phụ huynh chủ động đưa con đi khám, chứ không chờ công ty cung cấp thực phẩm", ông Mười nói.

Phó chủ tịch xã thông tin thêm đến nay chưa có kết quả kiểm nghiệm số thịt được cho không đảm bảo an toàn vệ sinh xuất hiện trong bếp ăn trường. Xã Thanh Khương và huyện Thuận Thành đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh.

truong-muong-khuong-5052-1552641980
Phụ huynh nghỉ làm, tập trung ở cổng trường Mầm non Thanh Khương hôm 6/3. Ảnh:Dương Tâm

Trước đó cuối tháng 2, một số phụ huynh đăng tải video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạnh trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương. Tập thể phụ huynh đã lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Đến trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều chân, xương gà dùng nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối.

Sau hai lần trên, phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học nhiều ngày. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm. UBND huyện Thuận Thành cũng đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng nhà trường; dừng hợp đồng cung cấp thực phẩm của doanh nghiệp với tất cả trường học trên địa bàn.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả vùng miền, tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị, có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.

Bệnh ấu trùng sán lợn xảy ra ở người ăn phải trứng sán lợn nhiễm trong thức ăn. Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt rồi sẽ hóa nang.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt, nó có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Ý kiến của bạn

Bình luận