Hàng Trung Quốc khiến 'thiên đường mua sắm' Singapore hấp hối

Doanh nghiệp 15/08/2017 06:07

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi khiến ngành bán lẻ ở “thiên đường mua sắm” Singapore đang chật vật hơn bao giờ hết.

Hàng Trung Quốc khiến 'thiên đường mua sắm' Singap
Một cửa hàng thời trang ở trung tâm thương mại Suntect City (Singapore) bán giảm giá để đóng cửa - Ảnh: AFP

Sau nhiều năm mua sắm quần áo trên mạng, cô Olivia Chin, một công chức Singapore, nay mở rộng sang cho nhiều vật dụng khác trong nhà mình. Cô bắt đầu trang hoàng nhà cửa bằng nội thất, vật dụng… mua trên Taobao - trang mua sắm điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Giá quá rẻ

Cô Olivia mua một chiếc bàn uống trà, một bàn ăn, ghế sofa, ghế ngồi, đèn… Thay vì phải chi gần 1.500 USD cho một chiếc bàn ăn mua ở Singapore, cô gái 25 tuổi tìm thấy thứ mình cần trên mạng với giá chỉ gần 370 USD. Phí vận chuyển từ Trung Quốc qua Singapore là 2,20 USD!

“Tôi còn mua mấy cái ghế quầy bar với giá 10 USD trên mạng, trong khi mấy cửa hàng ở Singapore bán hơn 70 USD. Tôi cũng có lo về chất lượng ban đầu, nhưng điều đó bù đắp bằng cái giá quá rẻ” - Olivia tâm sự với báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.

Ngày càng có nhiều người Singapore thay đổi thói quen mua sắm giống Olivia: chỉ cần một cú bấm chuột là mọi thứ đã ở trong tầm tay.

Đối với một quốc gia được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” như Singapore, thương mại điện tử đang biến các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ thành “địa ngục bán ế”.

Thậm chí sự kiện khuyến mãi - giảm giá lớn nhất Singapore hàng năm “Great Singapore Sale”, vốn thu hút biết bao khách du lịch trong 24 năm qua, cũng không chặn được đà đi xuống của các gian hàng truyền thống.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp doanh số bán hàng ở sự kiện này sụt giảm, đến mức truyền thông Singapore châm biếm “Singapore Sale” không còn “Great” (khủng/lớn) cho lắm.

Cái chết của ngành bán lẻ

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Singapore là nơi cảm nhận rõ nhất sức mạnh chi phối của thương mại điện tử.

Các tay chơi lớn nhất trong ngành này nhắm đến Singapore vì nước này có sức mua lớn (dân thu nhập cao) và là cửa ngõ đi vào thị trường ASEAN.

Lazada và Taobao đang thay thế các hệ thống bán lẻ như Isetan và Metro ở Singapore. Tháng trước, gã khổng lồ Amazon cũng vừa “đáp” xuống đảo quốc. Dịch vụ Amazon Prime Now - giao hàng miễn phí trong vòng 2 giờ - được nhiều người ưa thích đến mức công ty Mỹ phải tăng cường thuê cả xe taxi và các tài xế tự do để đi giao hàng.

Các chuyên gia cho rằng “cái chết từ từ” của ngành bán lẻ trực tiếp là không tránh khỏi, thậm chí là trong một thành phố nhỏ không đòi hỏi phải di chuyển xa như Singapore.

Người tiêu dùng trẻ và những người thích tiết kiệm mua tất cả mọi thứ họ cần trên mạng, từ chiếc áo sơ mi đến cho đến đôi giày.

Có người chết, có kẻ vượt qua

Thương mại điện tử đang gây áp lực lên các trung tâm thương mại ở Singapore, dẫn đến tình trạng số doanh nghiệp thuê mặt bằng giảm. Đây là xu hướng chung và chỉ ngoại lệ đối với những trung tâm mua sắm nổi tiếng.

Chỉ số cho thuê bán lẻ, công bố bởi Cơ quan Tái phát triển đô thị của Singapore, giảm 2,9% trong quý 1-2017. Đây là quý thứ 9 liên tiếp chứng kiến chỉ số này giảm kể từ cuối năm 2014.

Nhưng điều này không có nghĩa người dân Singapore hoàn toàn “tẩy chay” trung tâm thương mại. Lang thang trong các tòa nhà mát mẻ giữa mùa hè vẫn là sở thích của nhiều người.

“Họ ăn, họ uống nhưng họ không mua thứ gì hết” - bà Madam Woo, người trông coi một cửa hàng thời trang ở Clarke Quay Central, than thở.

Để thích ứng trong điều kiện mới, các trung tâm thương mại Singapore tìm cách lấp vào khoảng trống bằng những gian hàng bán “trải nghiệm” thay vì hàng hóa như túi xách, máy tính…

Chẳng hạn trung tâm VivoCity sẽ khai trương một thư viện công cộng vào cuối năm sau.

Một chiến lược khác đó là bổ sung thêm các cửa hàng bán thực phẩm và thức uống. Loại hình kinh doanh này trước đây chỉ chiếm khoảng 20% trong một trung tâm thương mại, nhưng bây giờ tỉ lệ ở một số nơi đã tăng gần gấp đôi.

“Để tồn tại trong điều kiện mới, chúng tôi cũng phải cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng” - ông Kelvin Tan, chủ một cửa hàng tiện lợi, cho biết.

“Mọi người vẫn thích đến cửa hàng và nói chuyện trực tiếp. Họ vẫn muốn có những trải nghiệm ngoài đời như vậy. Chúng ta hãy chờ xem người tiêu dùng sẽ thay đổi ra sao khi các cửa hàng trực tuyến đạt đến mức độ bão hòa” - ông Kelvin bình luận.

Ý kiến của bạn

Bình luận