Năm 2016, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM còn hơn ba mươi ngàn GPLX mà người vi phạm "bỏ luôn" |
Sáng 5.5, trao đổi với PV, trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết mỗi năm CSGT TP.HCM tồn kho hàng chục ngàn GPLX và biên bản xử lý của người vi phạm đã quá hạn nhưng vẫn chưa đến để đóng phạt để nhận lại.
Tính riêng năm 2016, Phòng CSGT còn đang tồn 34.130 GPLX và biên bản vi phạm hành chính đã quá thời gian tạm giam mà người vi phạm vẫn chưa đến đóng phạt. Trong đó, đa số trường hợp GPLX tồn lại là GPLX hạng A1.
Theo trung tá Cường, có nhiều lý do mà người vi phạm “bỏ luôn” GPLX khi bị CSGT lập biên bản, như: mức phạt cao hơn chi phí cấp lại GPLX, có một GPLX khác hoặc có GPLX giả.
“Khi vừa có biên bản tạm giữ GPLX, cán bộ xử lý vi phạm hành chính của Phòng CSGT sẽ gửi thông báo ngăn chặn đến Sở Giao thông vận tải (GTVT) in trên GPLX của người vi phạm. Thế nhưng nhiều người đã có sẵn 1 GPLX do lấy cớ mất để làm lại từ trước đó nên họ sẵn sàng bỏ luôn GPLX đang bị tạm giữ”, trung tá Cường giải thích.
Ngoài ra, trung tá Cường cũng đề xuất nên để CSGT làm công việc cấp, đổi GPLX thì công tác phối hợp giữa việc tạm giữ GPLX và cấp, đổi sẽ có hiệu quả hơn.
Khó khăn trong việc lưu trữ
Trung tá Cường cho biết hiện nay một số Đội, Trạm CSGT thuộc Phòng còn đang đi thuê trụ sở nên việc lưu trữ GPLX và biên bản vi phạm tồn rất khó khăn. Mỗi lần chuyển trụ sở lại phải đóng thùng, di chuyển và tìm chỗ lưu trữ những GPLX này.
Bên cạnh đó, việc lưu trữ những hồ sơ trên phải đảm bảo PCCC và chống mối mọt, cán bộ làm công tác này cũng thường xuyên luân chuyển theo quy định nên việc bàn giao cũng gặp nhiều rắc rối.
Đội CSGT dành nhiều tủ để lưu trữ GPLX mà người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lạiẢNH: VŨ PHƯỢNG |
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về lưu trữ GPLX mà người dân không đến nhận thì sẽ được lưu trữ trong bao lâu, nhưng PC 67 thường lưu trữ trong 10 năm rồi mới lập hội đồng tiêu hủy.
Trung tá Cường nêu quan điểm: “Theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì 1 năm không đến đóng phạt thì cưỡng chế nhưng thành lập hội đồng cưỡng chế thì rất nhiều văn bản và khó khăn. Không thể nào đội cưỡng chế đi đến tận tỉnh theo địa chỉ trong GPLX để cưỡng chế, vừa tốn kém về nhân lực, vừa tốn kém về thời gian. Nhưng cứ như hiện nay thì GPLX tồn rất nhiều, PC 67 không còn chỗ để”.
Cuối cùng, trung tá Cường thông tin, thời gian tới Phòng CSGT sẽ đề xuất Cục CSGT có quy định rõ ràng về thời gian lưu trữ GPLX mà người vi phạm không đến nhận thì 1 hoặc 2 năm có thể được tiêu hủy. Đồng thời, PC 67 cũng đề xuất Cục CSGT tìm giải pháp để người dân chấp hành nghiêm biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.