Người dân chiếm dụng hành lang an toàn cao tốc xây dựng đường đi tại quận 9. Ảnh: Vân Quỳnh. |
Trong công văn vừa gửi đến các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E, đơn vị quản lý cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) cho biết, thời gian qua liên tục xảy ra tình trạng xâm phạm hành lang an toàn tuyến cao tốc. Dù đơn vị nhiều lần phản ánh, đề nghị cơ quan chức năng địa phương xử lý nhưng chưa có kết quả, các vi phạm vẫn tồn tại.
Trong đó, một số trường hợp tái diễn nhiều lần như tại khu vực gần Nhánh A1 – nút giao Vành Đai 2 (phường Phú Hữu, quận 9). Một công ty đã tự ý tháo dỡ hai tấm hàng rào lưới B40 và san ủi mặt bằng làm đường đi lại trên phần đất của hành lang an toàn đường cao tốc.
Tương tự, gần Nhánh B1 – nút giao Vành Đai 2 (cũng thuộc phường Phú Hữu), một hộ dân tự ý chiếm dụng đất hành lang an toàn đường cao tốc và thi công đoạn đường dài 150 m, rộng 6,5 m nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào hai bãi container phía trong.
Các xe theo đoạn đường này di chuyển ra vào bãi container phía trong gây mất an toàn đối với trạm biến áp nằm tại khu vực, dầm cầu, trụ cầu và mố cầu của nhánh B1.
Còn tại Nhánh A - nút giao quốc lộ 51 (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), một hộ dân tự ý mở tôn hộ lan của đường cao tốc để làm lối đi lại, đồng thời xây dựng hàng quán sát hàng rào tôn hộ lan làm điểm tập kết đón trả khách cho các nhà xe ngay đầu lối vào cao tốc. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông cho các phương tiện đang chuẩn bị lưu thông vào cao tốc.
Hành lang an toàn đường cao tốc là phần dọc hai bên đất của đường cao tốc, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ tuyến đường. Giới hạn của phần này đã được quy định cụ thể.
"Việc vi phạm hành lang an toàn đường cao tốc không những vi phạm quy định, gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn rất cao nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ và ảnh hưởng đến các tài sản trên đường cao tốc", đại diện VEC E cho biết.
Đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng (giai đoạn 1). Công trình được khánh thành toàn tuyến vào đầu năm 2015 giúp rút ngắn đường từ TP HCM về Vũng Tàu rất nhiều so với trước đây.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt ôtô đi qua cao tốc. Đặc biệt vào cuối tuần có khi lên đến 56.000 lượt - vượt quá thiết kế nên tình trạng ùn ứ thường xảy ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.