Đầu tháng 4, nhiếp ảnh gia Thuần Võ (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp Nguyễn Mạnh Hiệp, Phạm Hồng Phương trải nghiệm quan sát, ghi nhận loài và săn ảnh các giống chim quý tại Fansipan thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai và Lai Châu). Chuyến đi có sự hỗ trợ của anh Nguyễn Hào Quang, hướng dẫn viên chuyên về quan sát chim cùng các "thổ địa" dân tộc Mông. Ảnh: Nguyễn Hào Quang.
Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam, nằm ở độ cao 1.000 - 3.000 m, trong đó có đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương 3.143 m. Trong vườn quốc gia có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loài quý hiếm như bách xanh, thiết sam, đỗ quyên, vượn đen tuyền hay cheo cheo. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 300 loài chim. Trong ảnh là loài bạc má rừng ở độ cao trên 1.800 m. Ảnh: Thuần Võ.
Hành trình quan sát chim trên núi rừng Fansipan nhằm khuyến khích mọi người thêm yêu thiên nhiên, qua đó có ý thức bảo vệ rừng, môi trường sống các loài động thực vật hoang dã, trong đó có các loài chim. Trong ảnh là loài đuôi đỏ đầu xám tại khu vực suối Thác Bạc, xã San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: Thuần Võ.
Chụp chim ở núi rừng Fansipan không dễ dàng, bởi người chụp có thể phải tiếp cận độ cao 2.800 m - 3.100 m hiểm trở để ghi nhận sự hiện diện của chúng. Cả nhóm đi cáp treo lên đỉnh Fansipan rồi theo đường bộ xuống vùng rừng tại độ cao khoảng 2.800 m thuộc địa phận xã San Sả Hồ, dựng trại ngủ đêm và trekking ngược lên núi săn ảnh chim đến độ cao 3.100 m, sau đó lên đỉnh và đi cáp treo xuống núi. Ảnh: Thuần Võ.
Nhóm săn ảnh may mắn đi vào mùa hoa đỗ quyên. “Tôi đã leo Fansipan từ năm 2015, nay leo lại chụp ảnh chim cảm thấy thú vị hơn nhiều, vì đã chụp được nhiều loài quý và hoa đỗ quyên ở độ cao hơn 1.000 m trên dãy Hoàng Liên Sơn”, anh Nguyễn Mạnh Hiệp chia sẻ. Được mệnh danh là “vương quốc hoa đỗ quyên”, rừng Hoàng Liên tập trung đến 40 loài đỗ quyên có nhiều màu sắc, dáng vẻ khác nhau, từ vàng tươi, phớt hồng cho tới đỏ thắm. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp.
Chim khướu mặt đen đậu trên cành hoa đỗ quyên. Ảnh: Thuần Võ.
Chim hút mật Nepal hay còn gọi hút mật đuôi lục (chim trống) với màu sắc sặc sỡ. Ảnh: Thuần Võ.
“Khi đêm xuống, cả nhóm ngủ trong trong lều do các bạn người Mông dựng lên tại độ cao khoảng 2.800 m. Nhiệt độ ban đêm vào khoảng 5 độ C, rét thấu xương dù mặc ba lớp áo, mệt rã người. Nhưng khi chúng tôi chụp được chim quý, bao nhiêu mệt mỏi tan biến”, anh Thuần Võ kể lại. Trong ảnh là loài khướu mào họng đốm. Ảnh: Thuần Võ.
Chim chích đuôi cụt bụng vàng, một loài nhỏ bằng ngón chân cái, có tiếng hót thanh mảnh và trong veo. Đây cũng là loài khó chụp nhất, vì không bao giờ đứng yên dù xuất hiện thường xuyên trong bụi. Nó nhanh nhẹn đến mức cứ lia ống kính theo nhưng máy chưa kịp bắt nét là đã nhảy ra khỏi khung hình. Sau một giờ lăn lộn, nhiếp ảnh gia mới chụp được 1-2 tấm. Ảnh: Thuần Võ.
10-1555404950_r_680x0
Loài chích chòe nước nhỏ, sống dọc theo các suối đá ở vùng rừng núi tây bắc Sa Pa. Ảnh: Thuần Võ.
Những người đi săn ảnh chim đòi hỏi đầu tư về thiết bị chụp, phải có kinh nghiệm leo núi và đi rừng. Ống kính đặc thù chụp chim dao động 400 mm - 600 mm. Nhưng đối với địa hình hiểm trở, cần ống kính cơ động, gọn nhẹ, do đó khi chụp chim tại Fansipan, nhiếp ảnh gia thường chọn ống kính loại fix 600 mm hoặc ống zoom 150 mm - 600 mm, 200 mm - 500 mm để thuận tiện cầm tay khi di chuyển. Trong ảnh là loài đuôi đỏ đầu trắng, sống chủ yếu ở khu vực núi cao và ít khi bay xa khỏi nơi ở, hiếm gặp. Ảnh: Phạm Hồng Phương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.