LTS: Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều chia sẻ của độc giả về cách xử lý người vi phạm của CSGT Đà Nẵng khiến cộng đồng mạng rất quan tâm và thích thú.
Đó là câu về bà mẹ chở theo con nhỏ nhưng quên đội mũ bảo hiểm cháu bé. Lúc dừng đèn đỏ, một CSGT làm nhiệm vụ ở đó đã phát hiện lỗi trên và yêu cầu dừng lại. Bà mẹ ngỡ rằng sắp bị lập biên bản xử phạt. Tuy thế người CSGT chỉ nhắc nhở về an toàn giao thông, sau đó yêu cầu ‘không đội nón thì đi bộ’.
Hay như câu chuyện về một CSGT Đà Nẵng trẻ tuổi, xử phạt một thanh niên ngoại tỉnh lấn vạch giao thông, bằng cách đi mua kẹo cao su ủng hộ một người bán rong nghèo.
Từ cách ứng xử đầy nhân văn của lực lượng CSGT Đà Nẵng, PV đã làm một cuộc khảo sát xung quanh vấn đề này ở một số tỉnh, thành phố.
Quảng Nam: Việc làm thường xuyên
Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền người vi phạm giao thông đã được quán triệt tư tưởng sâu rộng từ Giám đốc công an tỉnh xuống đến các đơn vị trực thuộc trong toàn tỉnh.
“Việc này chúng tôi làm hàng ngày, thường xuyên và liên tục. Lực lượng CSGT luôn xác định rõ trong công tác xử lý vi phạm thì lấy công tác tuyên truyền làm đầu. Việc để người dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định trong an toàn giao thông sẽ tốt hơn là cứng nhắc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính.
Lực lượng chức năng chỉ xử phạt với những trường hợp đã được tuyên truyền, nhắc nhở rồi nhưng không chấp hành vẫn cố tình vi phạm, hoặc hành vi đó gây nguy hiểm cho lực lượng CSGT”, Thượng tá Hồng cho biết.
Theo Thượng tá Hồng, để thuận tiện trong việc áp dụng xử lý, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam đã quy định rõ những trường hợp sẽ tiến hành biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền lên hàng đầu như: đối tượng là người có trình độ văn hóa thấp, đặc biệt là người chưa đến tuổi thành niên, người già, người ở vùng sâu vùng xa.
“Mỗi nơi có cách áp dụng khác nhau. Việc bắt người vi phạm mua kẹo su để nộp phạt như ở Đà Nẵng thì chúng tôi không khuyến khích.
Tuy nhiên, lực lượng CSGT luôn tạo điều kiện cho người vi phạm giao thông. Với người người quên giấy tờ xe mà nhà ở gần khu vực bị xử phạt thì CSGT cho phép điện thoại cho người nhà mang giấy tờ đến hoặc tự quay trở về nhà. Hoặc những người quên đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, những lỗi vi phạm nhẹ cũng sẽ được nhắc nhở.
Chúng tôi sẵn sàng làm như vậy bởi hiểu rằng cũng có nhiều lúc người tham gia giao thông quên như vậy. Biện pháp này xử lý hiệu quả cao lắm và người dân cũng đánh giá cách xử lý của chúng tôi như thế là hợp tình, hợp lý”, thượng tá Hồng cho biết thêm.
Hình ảnh chiến sĩ CSGT Đà Nẵng nhắc nhở người dân vi phạm giao thông trên đường. |
Bạc Liêu, Cao Bằng: Ưu tiên hàng đầu
Trao đổi với Đất Việt, Đại tá Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng khẳng định biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền cho người vi phạm giao thông đã được triển khai sâu rộng và áp dụng từ nhiều năm nay trong toàn lực lượng.
“Nhắc nhở để người dân hiểu và chấp hành luật giao thông là việc làm thường xuyên, lâu dài được CSGT tiến hành trong quá trình xử lý vi phạm chứ không phải chăm chăm tìm cách phạt người dân. Vì mong muốn người vi phạm chuyển biến về nhận thức. Tùy thuộc vào những việc làm và hành vi cụ thể mà lực lượng CSGT sẽ có những hình thức nhắc nhở hợp lý”, Đại tá Hồng chia sẻ.
Trước việc CSGT Đà Nẵng nhắc nhở, xử phạt người dân bằng cách mua kẹo ủng hộ người bán rong nghèo, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng bày tỏ quan điểm: “Một khi đã tuyên truyền, nhắc nhở người vi phạm thì không nên phạt người vi phạm bằng bất cứ hình thức nào, kể cả phạt kẹo như phía Đà Nẵng đã làm.
CSGT tỉnh Cao Bằng phân định rõ việc xử phạt với việc mua bán. Chúng tôi không yêu cầu người vi phạm phải mua bất kỳ sản phẩm nào khác. Nhờ việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có tuyên truyền mà tình hình tai nạn giao thông của tỉnh Cao Bằng thì năm 2014 giảm sâu và năm 2015 cũng giảm sâu về các tiêu chí”, Đại tá Hồng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng việc tuyên truyền, nhắc nhở người vi phạm giao thông là một chủ trương tốt, cần nhân rộng nhưng việc yêu cầu họ mua một số sản phẩm thì cần phải xem xét lại. “Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu luôn ưu tiên việc nhắc nhở người dân để họ tự giác ý thức hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên việc để người vi phạm đi mua một số sản phẩm như phía CSGT Đà Nẵng làm theo tôi là không đúng luật.
Nếu đã nhắc nhở thì nên để người dân đi luôn, chứ không được yêu cầu mua bán bất cứ thứ gì. Có thể người ta không thích những sản phẩm đó, nhưng bắt buộc phải mua để được tha. Như vậy thì ý nghĩa của việc nhắc nhở cũng bị giảm đi nhiều”, Đại tá Thật nêu rõ quan điểm.
Nghệ An: Có nhắc nhở nhưng rất ít
Trái ngược hoàn toàn với các tỉnh trên, theo Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An thì biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền cho người vi phạm giao thông tại tỉnh này có được triển khai nhưng số lượng thực tế rất ít.
“Thực hiện theo thông tư 65 thì khi phát hiện vi phạm CSGT phải tiến hành lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc nhắc nhở người vi phạm cũng có nhưng rất thấp. Chỉ một số lỗi do khách quan kiểm soát thì sẽ được xem xét áp dụng thôi chẳng hạn: quên giấy tờ xe, đi ngược chiều...”, Thượng tá Phượng chia sẻ.
Đánh giá về những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở mà Đà Nẵng đang triển khai và được nhiều người dân đánh giá cao, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt công an tỉnh Nghệ An cho hay: “Đà Nẵng là thành phố du lịch, người ta muốn thu hút tất cả con người, cả người dân địa phương lẫn du khách đến đó nên CSGT mới tiến hành các biện pháp đó.
Người ta luôn nghĩ rằng, dân đã sống ở Đà Nẵng thì sẽ tôn trọng pháp luật, chấp hành rất nghiêm chỉnh , còn người lạ, du khách người ta về thì chắc chắn có lúc sơ xuất mắc lỗi vi phạm nên mới có những biện pháp xử lý như thế”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.