Hậu duệ McLaren F1 sẽ có thiết kế khí động học “xịn” nhất Thế giới

Tác giả: xe đời sống

saosaosaosaosao
16/12/2019 09:36

Cũng do nhà thiết kế thiên tài Gordon Murray "chấp bút", GMA T.50 được coi là McLaren F1 tái hiện bằng các công nghệ của Thế kỷ XXI.

xedoisong_xedoisong_gma_t_50_1_nzpi

Cách đây gần 30 năm, Gordon Murray đã khai sáng ngành công nghiệp ô tô thế giới bằng siêu xe huyền thoại McLaren F1. Với hàng loạt công nghệ tiên tiến có nguồn gốc xe đua F1 đã trở thành một trong những siêu xe vĩ đại nhất trong lịch sử. Kết cấu trọng lượng nhẹ, thiết kế siêu tối ưu khí động học cùng khối động cơ V12 mạnh mẽ do BMW cung cấp, chiếc xe mang thương hiệu McLaren đã thiết lập hàng loạt kỷ lục tốc độ. Kể từ đó, F1 đã thiết lập hàng loạt tiêu chuẩn cho siêu xe hiện đại.

Sau quãng thời gian vẻ vang cùng với McLaren, Gordon Murray đã tách ra hoạt động riêng và thành lập công ty chuyên thiết kế và sản xuất xe hơi mang tên mình. Đến thời điểm này, ông vẫn theo đuổi những chiếc xe với kết cấu trọng lượng nhẹ nhưng không chỉ còn gói gọn ở phân khúc xe thể thao mà dành sự quan tâm tới cả những mẫu xe đô thị. Ngoài ra, ông cũng trình làng một khái niệm mới mang tên iStream. Đó là một quy trình sản xuất đột phá, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất và có hiệu quả vượt trội về mọi mặt.

xedoisong_xedoisong_gma_t_50_2_qbdj

 Nhưng tất nhiên, điều mà người ta chờ đợi vào lần tái xuất của Gordon Murray vẫn là một siêu xe có thể kế nhiệm McLaren F1 trên mọi phương diện. Và mới đây, thương hiệu mang tên ông Gordon Murray Automotive (GMA) đã hé lộ những thông tin và hình ảnh đầu tiên về một dự án siêu xe mang tên T.50. Vào tháng 6 năm nay, dự án này đã được công bố tới truyền thông nhưng không có bất cứ hình ảnh hay thông tin nào được đưa ra.

xedoisong_xedoisong_gma_t_50_4_xity

Là sản phẩm hợp tác phát triển cùng đội đua công thức một Racing Point, T.50 được tuyên bố là chiếc xe tiên tiến nhất mặt khí động học và phá vỡ mọi định luật dành cho xe hơi đường phố. Siêu xe này do chính tay Murray cùng các cộng sự tại Gordon Murray Design thiết kế. Và ngay từ bức hình đầu tiên, chúng ta đã có thể nhận thấy sự lôi cuốn nhưng cũng rất khác biệt của T.50.

 Theo công bố từ nhà sản xuất, khí động học là một trong những yếu tố được chú trọng nhất trên T.50. Dấu ấn khí động học được thể hiện ở hầu khắp mọi vị trí trên xe. T.50 vẫn cho thấy kiểu dáng thấp bè quen thuộc của siêu xe thể thao nhưng vượt xa phần còn lại về mặt độc đáo nhờ một bộ phận quan trọng nằm trong hệ thống khí động học tổng thể của chiếc xe. Đó là một chiếc quạt hiệu ứng mặt đất (ground-effect) có đường kính 400mm nằm ở phía sau.

Cùng với hệ thống ống dẫn bên dưới gầm xe và các thành phần khí động học chủ động ở mặt sau, chiếc quạt này sẽ tăng tốc luồng khí di chuyển bên dưới thân xe. GMA cho biết nó giúp kiểm soát đồng thời luồng khí bên dưới và bên trên thân xe, qua đó nâng cao đáng kể hiệu suất khí động học của chiếc xe – tăng lực ép và giảm lực cản. Thậm chí, chiếc quạt đặc biệt nói trên còn giúp tối ưu khả năng làm mát động cơ. Nói nôm na là một công mà đôi ba việc.

Thực chất, T.50 không phải là chiếc xe đầu tiên sở hữu một hệ thống khí động học thú vị như vậy. Vào năm 1978, chính Gordon Murray cũng đã từng thiết kế một chiếc xe đua Brabham BT46B. Nhà thiết kế lừng danh này cho biết kể từ đó, ông đã luôn muốn tạo nên một chiếc xe đường phố với hệ thống quạt hiệu ứng mặt đất. Và hệ thống trên T.50 phức tạp và tiên tiến hơn nhiều so với trên BT46B.

Theo công bố, hệ thống khí động học trên T.50 có tới 6 chế độ. Đầu tiên là chế độ mặc định Auto Mode vốn được thiết lập để tối ưu việc sử dụng hệ thống khí động học dựa trên tốc độ di chuyển và các nguồn dữ liệu đầu vào do người lái cung cấp. Khi muốn giảm tốc đột ngột, chế độ Braking Mode sẽ được kích hoạt. Khi đó, các cánh gió ở phía sau sẽ được bung ra tự động trong khi chiếc quạt độc đáo sẽ quay ở tốc độ cao. Nhờ đó, lực nén sẽ gia tăng gấp đôi, giúp nâng cao sự ổn định và độ bám. Theo công bố từ GMA, T.50 sẽ rút ngắn được 10 mét cần thiết để dừng hẳn khi hãm phanh từ vận tốc 240km/h với chế độ này.

Với một cú bật công tắc, chiếc xe sẽ chuyển sang chế độ lực ép cao High Downforce Mode. Ở chế độ này, lực ép sẽ được cộng thêm 30% và giúp nâng cao sức kéo. Nhưng ngược lại, ở chế độ Streamline Mode, lực ép lại giảm đi cùng với lực cản (-10%). Qua đó, tốc độ trên đường thẳng cùng với hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu sẽ cùng được cải thiện. Được biết, khi chuyển sang Streamline Mode, hệ thống ống dẫn khí bên dưới thân xe sẽ bị đóng lại trong khi chiếc quạt chạy ở tốc độ cao, giả lập hiệu ứng đuôi dài (virtual longtail). 

 Còn nếu muốn bung hết lực, người lái sẽ chuyển sang chế độ Vmax Mode. Khi chế độ này được kích hoạt, hệ thống khí động học của T.50 sẽ có cùng thiết lập như chế độ Streamline Mode. Tuy nhiên, công suất của chiếc xe đã tăng thêm 30 mã lực nhờ mô-tơ điện ISG 48V. Giống như một số sản phẩm điện hóa gần đây, chế độ tăng lực của T.50 bị giới hạn thời gian sử dụng, chỉ trong vòng 3 phút.

Cuối cùng là chế độ Test Mode. Nó được sử dụng khi chiếc xe đứng yên và muốn phô diễn các tính năng của hệ thống khí động học chủ động. Nhân nói đến phần test, siêu xe sắp tới của GMA sẽ được thử nghiệm trong hầm gió tại Silverstone (Anh) với sự giúp đỡ từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Racing Point.

Chưa hết, rất nhiều thông số khác liên quan đến T.50 cũng đã được hé lộ. Theo đó, siêu xe này sở hữu kết cấu khung thân nguyên khối monocoque và phần thân đều được chế tạo từ sợi carbon. Điều này giúp cho T.50 đạt trọng lượng cực thấp, chỉ dừng ở mức 980kg. Ngoài ra, cabin của chiếc xe được thiết kế với ghế lái đặt ở trung tâm, tương tự như McLaren F1. Hai ghế hành khách được bố trí ở hai bên. T.50 mang kiểu dáng coupe với bộ cửa nhị diện dihedral – một đặc sản trên nhiều siêu phẩm của Koenigsegg.

Trái tim của T.50 là khối động cơ V12 4,0 lít do Cosworth cung cấp. Với dải vòng tua tối đa lên tới 12.100 vòng/phút, cỗ máy này có thể sản sinh công suất 650 mã lực và 450Nm mô-men xoắn. Như vậy, khi bật chế độ Vmax, tổng công suất của T.50 có thể đạt gần 700 mã lực. Nếu làm một phép tính, tỷ suất sức mạnh/trọng lượng của siêu xe này tiệm cận với Bugatti Chiron. Năng lượng từ động cơ được truyền tới bánh sau thông qua hộp số 6 cấp.  

Đáng tiếc là GMA không công bố thêm những thông số về hiệu năng vận hành của T.50. Nhưng với những gì vừa nêu ra, có thể khẳng định rẳng siêu xe này chắc chắn sẽ nằm trong top đầu về hiệu năng. Có thể không phải là chiếc xe nhanh nhất trên đường phố nhưng số lượng model nhanh hơn T.50 cũng có lẽ là không nhiều.

Dự kiến, T.50 sẽ ra mắt lần đầu tiên vào tháng 5/2020 sau khi trải qua một đợt kiểm tra tổng thể vào quý I năm sau. GMA có kế hoạch sản xuất đúng 100 chiếc T.50 và phần lớn trong số đó đã có chủ. Không bất ngờ khi giá bán trước thuế của chiếc xe lên tới hơn 2 triệu Bảng (hơn 60 tỷ đồng). Đến năm 2022, những chiếc T.50 đã có người đặt hàng sẽ được bàn giao cho chủ.

Ý kiến của bạn

Bình luận