Hậu thảm kịch phà Sewol: Nỗi đau khôn nguôi của người ở lại

Xã hội 14/04/2015 06:05

Gần một năm trôi qua kể từ khi chiếc phà Sewol chìm sâu xuống lòng đại dương nhưng cơn ác mộng vẫn chưa bao giờ biến mất trong tâm trí những người còn sống sót.


Đã gần một năm trôi qua kể từ sau vụ chìm phà Sewol nhưng nỗi đau vẫn đeo bám những nạn nhân còn sống

Đã gần một năm trôi qua kể từ sau vụ chìm phà Sewol nhưng nỗi đau vẫn luôn đeo bám những nạn nhân còn sống

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý

Ông Kim Dong-soo, 51 tuổi, người từng cứu 20 học sinh khỏi chuyến phà tử thần đã rạch cổ tay tự tử vào ngày 19-3-2015. May mắn thay, người nhà của ông Kim đã phát hiện kịp thời và đưa ông đến bệnh viện. Dù tính mạng không bị đe dọa nhưng ông Kim phải trải qua quá trình điều trị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD).

Ông Kim nói rằng ông luôn cảm thấy dằn vặt và đau khổ mỗi khi nhớ lại khoảng khắc chứng kiến các học sinh của mình chìm dần cùng với chiếc phà mà không thể làm gì được.

Cũng giống như ông Kim, một người đàn ông giấu tên, 40 tuổi cũng bị mắc hội chứng PTSD sau khi thoát khỏi chiếc phà. Những ký ức về thảm kịch năm nào hủy hoại cuộc sống của người đàn ông tội nghiệp trong suốt 8 tháng trời. Hình ảnh về chiếc phà đắm và những tiếng la hét thảm thiết của các hành khách thường xuyên xuất hiện trong đầu ông. Ông trở nên nhạy cảm ngay cả với những tiếng động nhỏ nhất. Ban đêm mất ngủ khiến cho ông không thể dậy đi làm đúng giờ. Hậu quả là ông bị công ty đuổi việc vào tháng 2 vừa rồi vì thường xuyên nghỉ làm.

Trước tình trạng đáng báo động này, nhiều chuyên gia đã kêu gọi chính phủ xây dựng một hệ thống quản lý và theo dõi tinh thần lâu dài cho những nạn nhân còn sống sau vụ chìm phà Sewol. “10-12 tuần sau thảm họa, một số nạn nhân còn sống đã trở lại bình thường. Tuy nhiên có không ít trường hợp phải rất lâu sau thảm kịch, PTSD mới phát triển,” Giáo sư Han Chang-su, Bệnh viện đại học Ansan, Hàn Quốc cho biết.

Giáo sư Han đã tiến hành một cuộc khảo sát về chỉ số rối loạn căng thẳng của 38 học sinh còn sống của trường trung học Danwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Các dữ liệu cho thấy nhiều sinh viên vẫn còn bị chấn thương tâm lý.

Mức độ stress trung bình của các học sinh là 24,8, vượt quá mức độ stress tối đa của người bình thường là 20. Mức độ mất ngủ trung bình của các học sinh là 6,3 điểm, trong khi từ 4 điểm trở lên bị coi là thiếu ngủ.

“Sẽ mất ít nhất vài năm để điều trị PTSD,” Yotam Polizer, lãnh đạo khu vực châu Á tại Diễn đàn Israel về Viện trợ Nhân đạo Quốc tế nói với tờ The Korea Times. “Trước hết, chúng ta cần phải tư vấn cho những nạn nhân còn sống và gia đình của họ để giúp họ ổn định cảm xúc trong giai đoạn đầu.”

Hai ngày sau khi được cứu, Kang Min-gyu, Phó hiệu trưởng trường trung học Danwon đã treo cổ tự vẫn tại thành phố cảng của đảo Jindo, gần vùng biển xảy ra tai nạn.

“Ông Kang là một trong những trường hợp mắc chứng tự dằn vặt bản thân. Ông tự trách mình vì đã sống sót trong khi các học sinh của ông lại chết. Nhiều người cũng có cảm giác tương tự như vậy trong giai đoạn đầu của PTSD,” ông Polizer nói. “Khi cảm xúc của các nạn nhân đã ổn định, công tác tư vấn có thể thuyết phục họ chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất khá nhiều năm.”

Sau cái chết của ông Kang, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm quản lý chấn thương Ansan vào tháng 5/2014 để giúp đỡ các nạn nhân còn sống cũng như gia đình của họ. Đây là cơ sở quản lý chấn thương tâm lý đầu tiên tại Hàn Quốc.

Mặc dù vậy, chưa nhiều nạn nhân tiếp cận được với trung tâm này do những bất lợi về địa lý. Tính đến ngày 3/4/2015, mới chỉ có 5 nạn nhân được điều trị tại đây.

Các nhân viên tư vấn cũng đến thăm khám và tư vấn định kỳ tại trường trung học Danwon để đảm bảo sức khỏe tinh thần của các học sinh còn sống.

Vẫn chưa được bồi thường

Chấn thương tâm lý không phải là vấn đề duy nhất mà các nạn nhân và gia đình của họ phải đối diện. Nguồn thu duy nhất của gia đình ông Kim Dong-soo là chiếc xe tải trị giá 100 triệu won đã chìm cùng với con phà. Thế nhưng cho đến nay đã gần một năm, gia đình ông Kim vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Cả gia đình ông chỉ biết trông chờ vào thu nhập từ công việc bán thời gian của vợ và con gái lớn.

Dù đã nhiều lần nộp đơn xin bồi thường nhưng Bộ Y tế Hàn Quốc đã từ chối công nhận ông là “một người thiệt mạng hoặc bị thương vì hành vi chính đáng” và yêu cầu ông phải nộp các tài liệu bổ sung để chứng minh những thiệt hại về vật chất và tinh thần của mình. Nếu được công nhận, ông Kim cùng nhiều nạn nhân khác sẽ được chính phủ hỗ trợ kinh tế, giáo dục và việc làm.

Chính phủ đã và đang hỗ trợ 399.000 won/tháng, tương đương 365 USD/tháng cho mỗi nạn nhân đủ điều kiện.

Một tài xế xe tải khác, ông Oh Young-sun, 53 tuổi, hiện đang nợ ngân hàng 20 triệu won để trang trải khó khăn kinh tế.

“Chúng tôi đã mất tất cả. Vậy mà chính phủ vẫn chưa đưa ra bất kỳ chính sách hay viện trợ thực tế nào để giúp đỡ. Chúng tôi cần được đến bù ngay lúc này,” ông Oh nói.

Minh Phương (KoreaTimes)

Ý kiến của bạn

Bình luận