Oanh tạc cơ B-1B của Mỹ tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. REUTERS |
Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, đặc biệt là kế hoạch uy hiếp đảo Guam của Bình Nhưỡng, những khu vực thuộc phạm vi tấn công đang tích cực chuẩn bị các bước đối phó. Đảo Guam chỉ cách Triều Tiên khoảng 3.410 km còn Hawaii cách 7.100 km, vẫn trong tầm bắn của tên lửa liên lục địa từ nước này.
14 phút sinh tử
Theo Đài ABC News, chính quyền Guam vừa ban hành hướng dẫn trên các trang web chính phủ cũng như tờ rơi cho hơn 163.000 cư dân trên đảo về các biện pháp đề phòng phóng xạ sau khi Triều Tiên dọa phóng tên lửa. Giới chuyên gia ước tính tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ mất khoảng 14 phút để vươn tới đảo này. Vì thế, bản kế hoạch khuyến cáo người dân tuân thủ các mệnh lệnh khẩn cấp trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra, nhanh chóng tìm những nơi ẩn náu có tường bê tông dày và ở yên trong ít nhất 24 giờ. Những ai bị kẹt bên ngoài phải nằm xuống, che đầu và “không nhìn vào tia sáng hay quả cầu lửa” để tránh bị mù. Ngoài ra còn có các thông tin về hướng dẫn tạo bộ dụng cụ khẩn cấp hay các mẹo trú ẩn an toàn.
Cơ quan An ninh nội địa và Cơ quan Phòng vệ dân sự Guam khẳng định đang tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình. Dù vậy, Thống đốc Guam Eddie Calvo cho rằng tuy cần nâng cao cảnh giác nhưng người dân cũng không nên quá sợ hãi. “Cuối tuần rồi, mọi người hãy ra ngoài đi chơi đi”, ABC News dẫn lời ông Calvo nói hôm qua. Nhìn chung, đa phần dân trên đảo vẫn tỏ ra thoải mái. Trong những ngày cuối tuần, nhiều gia đình vẫn ra bãi biển vui chơi.
Trong khi đó, báo mạng The Huffington Post đưa tin Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii đã âm thầm chuẩn bị từ tháng 1 và vừa cập nhật hướng dẫn về những việc nên làm trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân. Thống đốc Hawaii David Ige nhận định rằng quần đảo này có thể là một trong những nơi đầu tiên bị tên lửa Triều Tiên nhắm đến và yêu cầu Bộ Quốc phòng đưa ra kế hoạch ứng phó.
Theo kịch bản do Cơ quan Ứng phó tình trạng khẩn cấp Hawaii công bố, khoảng 1,4 triệu người dân tại đây chỉ có 15 phút kể từ khi tên lửa phóng đi. Khi nghe còi báo động hoặc nhận tin từ hệ thống cảnh báo khẩn cấp, mọi người nhanh chóng tìm nơi trú ẩn và cập nhật thông tin qua sóng phát thanh hay bộ đàm. Bên cạnh đó, Hawaii còn phục hồi hệ thống cảnh báo toàn bang, vốn được tắt đi sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Phòng thủ dày đặc
Không cụ thể như Guam và Hawaii nhưng chính quyền những đô thị vùng phía tây nước Mỹ cũng cập nhật nguy cơ tấn công hạt nhân vào kế hoạch ứng phó thảm họa chung. “Một cuộc tấn công hạt nhân chắc chắn sẽ mang đến thách thức độc nhất vô nhị nhưng toàn bang đã tập huấn và chuẩn bị cho nhiều loại thảm họa khác nhau”, ABC News dẫn lời phát ngôn viên chính quyền bang Washington Karina Shagren cho hay. Tương tự, giới hữu trách tại các đô thị lớn như Los Angeles và San Francisco cho biết đang theo dõi sát sao tình hình nhưng họ cảm thấy chưa cần thiết phải có kế hoạch khẩn cấp.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ khẳng định Hawaii và các khu vực trên đất liền ở phía tây được bảo vệ hiệu quả khỏi bất kỳ mối đe dọa nào. Hiện Cơ quan Phòng thủ tên lửa nước này đã triển khai 37 hệ thống tên lửa đánh chặn ở Alaska và California, còn trên đảo Guam có Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đó là chưa kể nhiều tàu chiến trang bị lá chắn tên lửa Aegis được dàn trải dày đặc từ Đông Bắc Á đến đảo Guam. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định Triều Tiên thừa hiểu tấn công lãnh thổ Mỹ sẽ dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn. Do đó, nếu kế hoạch phóng tên lửa về phía Guam thực sự được tiến hành thì có thể Bình Nhưỡng sẽ thiết kế để tên lửa rơi xuống biển hoặc phát nổ cách đảo này khoảng 30 - 40 km.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.