Hãy thôi nuông chiều doanh nghiệp dầu khí!

Bạn đọc 27/02/2016 06:36

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành dầu khí phải tự thoát ra khỏi sự bảo hộ, vì đến nay muốn nuông chiều cũng không được nữa.

Nhà máy lọc dầu duy nhất của Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đã đăng thông báo trên trang web nói rằng họ đang đối mặt với những khó khăn không bán được xăng dầu. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết khiến xăng dầu nhập khẩu có giá tốt hơn hàng cùng loại trong nước.

Ngoài câu chuyện của nhà máy lọc dầu Dung Quất, diễn biến giá dầu sụt giảm nhanh cũng làm cho các doanh nghiệp dầu khí khác rối trí vì chưa biết giải quyết ra sao. 

232_Anh_2_gui_zing
Dung Quất liên tục kêu cứu về những khó khăn khi đối mặt với thị trường cạnh tranh, song theo các chuyên gia, nhà máy lọc dầu này đã nhận quá nhiều ưu đãi, nếu tự cân đối tốt thì sẽ không gặp khó. Ảnh: Minh Hoàng.

Doanh nghiệp kêu khổ

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, giá dầu thô thế giới giảm liên tục khiến cho các công ty dịch vụ thăm dò, đơn vị khai thác, xuất bán dầu thô trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Nhiều doanh nghiệp thăm dò, khai thác, xuất bán dầu thô buộc phải tiết giảm chi phí, cắt giảm nhân sự trước tình hình giá cả nhiên liệu này lao dốc", ông Giang nói. 

Theo vị này, giá dầu thô giảm liên tục khiến nhà máy lọc dầu Dung Quất đối mặt với nhiều khó khăn. Để vận hành ổn định, xuyên suốt, nhà máy phải dự trữ ở bể chứa từ 200.000 đến 250.000 tấn dầu thô (tương đương 2 triệu thùng). Giá thế giới giảm tạm tính mỗi thùng 3 USD thì nguồn hàng dự trữ của nhà máy giảm theo khoảng 6 triệu USD.

"Trước tình hình này, chúng tôi phải tính toán cắt giảm chi phí, lấy khoản lãi từ sản phẩm xăng, dầu để bù lỗ vào chi phí nguồn dầu thô dự trữ bị tuột giá này. Nếu giá liên tục biến động thì việc sản xuất, kinh doanh của nhà máy sẽ gặp nhiều bất lợi", ông Giang nói. 

Các chuyên gia dự báo, giá dầu thô năm 2016 khoảng 60 USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng qua, nhiên liệu này tuột dốc liên tục từ 34 xuống 26 USD mỗi thùng. Hiện, mức giá mỗi thùng nhỉnh lên hơn 33 USD không đáng kể khiến ngành công nghiệp lọc hóa dầu đang đứng trước nhiều khó khăn.

Từ đầu 2016, sản phẩm dầu diesel, Jet -A1 nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thấp hơn của nhà máy là 10%. Mỗi năm, nhà máy chế biến hơn 3 triệu tấn dầu diesel, Jet-A1(xăng máy bay) - chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm của lọc dầu Dung Quất.

"Nếu phải chịu mức thuế suất cao hơn 10% so với nhập khẩu thì sẽ xảy ra tình trạng tồn kho lớn. Trong tình thế này, nhà máy buộc phải hạ công suất hoặc đóng cửa ngừng hoạt động là đương nhiên", ông Giang lo ngại. 

Các đầu mối doanh nghiệp như Petrolimex, PVoil, Saigon Petro, Xăng dầu Quân đội, Xăng dầu Đồng Tháp... "lỡ" ký hợp đồng mua xăng, dầu ba tháng đầu năm 2016 từ trước.

Hiện các doanh nghiệp này đã đưa ra lời cảnh báo: Nếu sản phẩm dầu diesel, Jet- A1 không được điều chỉnh mức thuế suất thì đầu tháng 4 tới sẽ không mua hàng của nhà máy lọc dầu Dung Quất nữa. Họ sẽ nhập khẩu sản phẩm cùng loại từ các nước ASEAN vì giá cả rẻ hơn.

Ông Giang hy vọng, Bộ Tài chính, Công Thương, Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với dầu diesel, Jet -A1 (xăng cho máy bay) nhằm đảm bảo tình hình hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Một số doanh nghiệp khác cũng đang có kế hoạch giảm khai thác, thậm chí cắt giảm nhân sự, điều chỉnh cơ cấu lương. Nguồn tin tại Vietsovpetro cho biết, ngoài đề xuất ngừng khai thác dầu ở một số giếng và cắt giảm 2.000 nhân viên, đơn vị này còn điều chỉnh lại cơ cấu lương đối với một số vị trí.

Theo đó, các chức danh từ trưởng, phó phòng được chỉ đạo giảm 10% lương. Các phòng ban cũng phải báo cáo lại số lượng nhân viên, nhu cầu thật sự và giảm nhân sự ở những bộ phận không cần thiết.

Hãy thôi nuông chiều!

Trước tình trạng doanh nghiệp dầu khí than khó, xin hỗ trợ, nhiều chuyên gia cho rằng các đơn vị này vẫn là những “đứa trẻ mãi không lớn”.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng nêu quan điểm: “Đã đến lúc các khu vực thị trường lâu nay chúng ta cho là nhạy cảm cần phải trở về đúng với với năng lực giá trị và sự vận động tất yếu của thị trường đó. Cụ thể phải giải quyết được hai vấn đề  là cần phải được cạnh tranh hóa và thực hiện đúng lộ trình nguyên tắc khi chúng ta đã cam kết hội nhập".

Theo ông, lâu nay, thị trường xăng dầu là khu vực người dân gánh những điều bất hợp lý. Đó là hệ quả từ các ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp trong ngành này.

“Vấn đề giảm thuế nhập khẩu là việc cần phải làm. Xét cho cùng doanh nghiệp này đã nhận ưu đãi quá lâu và quá nhiều khoản. Khi đối diện với việc cạnh tranh hóa thị trường, họ cần phải tự đứng vững và tự vận hành theo quy luật. Còn việc đưa ra các kiến nghị hay thậm chí dọa đóng cửa mỗi khi giá xăng dầu đang có biến động thì một điều rõ ràng là họ đang kinh doanh yếu kém, phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo hộ", ông Sơn nhận định.

Theo ông Sơn, cũng có thể đây chỉ là động thái của một vài lãnh đạo doanh nghiệp bao biện cho việc điều hành không tốt của mình.

dau_xe_qxhi

Giá dầu thô giảm liên tục khiến ngành dầu khí Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Hoàng.

 

Thực tế, loại trừ yếu tố thuế nhập khẩu bằng 0% thì Dung Quất còn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác...

TS. Nguyễn Ngọc Sơn giải thích, đến nay, những điều chỉnh về thuế đang trở về xu hướng trả lại quyền lợi cho người tiêu dùng chứ không phải là tước đi quyền lợi của các doanh nghiệp. Theo ông, nếu doanh nghiệp không làm được thì cần phải cơ cấu lại thị trường trong nước, từ nhân sự cho tới việc quản trị.

"Việc này không quá khó, tôi tin là họ sẽ làm được nhưng ở đây có lẽ là họ chưa quen với những tác thay đổi quyết liệt này nên có những phản ứng gay gắt như vậy. Họ phải chấp nhận thực tế và tự mình gỡ bỏ cái 'màng bọc' của nhà nước thì mới tồn tại được trong thị trường này”, ông bày tỏ.

Thông tin nói trên không phải bây giờ mới được công bố.

Do đó, theo giới chuyên gia, nếu năng lực quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ tự cân đối được vấn đề này. Thực tế, việc ưu đãi trong thời gian dài, từ thuế thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu, kể cả các khoản đầu tư, đến nay, họ cần phải đắp đổi các chi phí này để cạnh tranh.

Một chuyên gia giấu tên cho biết, mục đích cuối cùng của việc điều chỉnh chính sách thuế là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đi đúng lộ trình cam kết trong các hiệp định thương mại. Do đó, theo vị này, doanh nghiệp xăng dầu nên nhìn nhận lại một cách khách quan hơn là họ cần phải tăng giá trị năng lực của mình lên hơn là nhờ nhà nước "kinh doanh hộ".

Vị này phân tích, khi doanh nghiệp đang được nuôi bằng một nguồn sữa ưu đãi, họ sẽ “mặc cảm” nếu bị cắt nguồn này.

Ông cho rằng, hiện tại, không ít doanh nghiệp xăng dầu đang được bảo bọc bởi hai lá chắn đó là “ưu đãi và bảo hộ”. Nếu “ưu đãi” là tạo cơ hội cho họ cạnh tranh thì "bảo hộ" là để giảm sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.

"Thời gian ưu đãi đủ lâu để họ có thể xây dựng năng lực nhưng có lẽ việc này vẫn dậm chân tại chỗ vì tâm lý ỷ lại. Còn đối với chính sách bảo hộ rõ ràng đã tạo nên gánh nặng cho người tiêu dùng vì bảo hộ luôn được đánh vào giá thị trường", vị này chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược tỏ ra ngạc nhiên vì cho tới giờ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nói riêng và các doanh nghiệp dầu khí nói chung vẫn nhận được quá nhiều ưu đãi.

“Thật bất ngờ khi ưu đãi dành cho ngành này vẫn còn kéo dài đến thế. Có lẽ là hơi phũ phàng nhưng Nhà nước cũng chỉ nên duy trì ưu đãi cho họ tới năm 2018 như lộ trình. Mọi việc chỉ dừng lại ở khâu giám sát hoạt động. Những 'đứa con' trưởng thành phải tự quyết được mọi chuyện. Đã đến lúc người 'làm cha, làm mẹ' phải cứng rắn chứ không thể nuông chiều khi con vấp phải khó khăn rồi kêu khóc nhờ sự giúp đỡ", ông Hồ nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận