Sáng 20/3, người dân quanh khu vực chợ cóc Mộ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) - gần địa điểm xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến 4 người chết, 11 người bị thương tại khu đô thị Văn Phú - vẫn không ngừng xì xào bàn tán về vụ tai nạn thương tâm này.
Thế nhưng không ai hay biết, ngay trong khu chợ này, một cơ sở thu mua phế liệu tương tự mọc lên từ bao giờ.
"Có bao giờ để ý đến nó đâu, tôi thấy mấy bà buôn đồng nát thu mua về rồi bán cho cơ sở này. Cũng không biết nó nguy hiểm thế đâu, hôm nay nghe tin về vụ nổ mới thấy bàng hoàng".
Gom đủ kiểu bình gas cũ, thùng phuy hóa chất
Còn chủ cơ sở, khi được hỏi có hay thu mua bình gas cũ không thì thản nhiên trả lời: "Bình gas còn dùng được tôi mua 100.000 đồng, không dùng được giá 20.000 đồng".
Cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) |
Cửa hàng thu mua phế liệu này nằm ở khu vực họp chợ, có đông dân cư sinh sống và đi lại mua bán quanh chợ, đối diện là khu nhà ở cho Việt kiều, ai cũng lắc đầu trả lời không biết khi được hỏi có ai quản lý cơ sở thu mua này không.
Còn tại cơ sở thu mua phế liệu trên đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) dán biển hiệu lớn "Mua sắt vụn - Đồ điện cũ - Hàng thanh lý". Hoạt động thu mua, cân đo và trả tiền công khai ngay lại lề đường.
Anh T. (thuê trọ gần đường Mỹ Đình) cho hay: "Khoảng 4 năm về trước tôi đến đây thuê trọ đã thấy cơ sở này mọc lên ở đây, nó hay thu mua đồ phế liệu cũ, đồ điện họ cũng thu mua. Tôi không biết nó nguy hiểm gì đâu, chỉ thấy nó bẩn và không hợp với cảnh quan đô thị ở đây".
Cách cơ sở này khoảng 300m, ở khu vực đường Trần Bình (quận Nam Từ Liêm) cũng có một cơ sở chuyên thu mua phế liệu.
Quan sát tại cơ sở này, ngoài những vật liệu thường thu mua như giấy báo cũ, sắt vụn, còn thu mua những vật liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như bình ga cũ, bình ôxy, bình chữa cháy vứt lăn lóc.
Chủ cơ sở này cho biết vẫn thu mua những bình gas hay bình ôxy, tùy vào mức độ nó còn sử dụng được hay không mà trả giá. Trong khi đó, khi được hỏi liệu có lo ngại về sự nguy hiểm từ lò đồng nát này hay không, nhiều người dân sinh sống gần đó đều trả lời bằng cái lắc đầu.
"Tôi thấy hàng ngày cứ có 2-3 xe tải nhỏ chở đồng nát nhập về đây, còn hàng là gì trong đó ai mà biết được", bà Nguyễn Thị Trúc - một người dân nói.
Không bị ai nhắc nhở?
Trong một con ngõ rộng ở phố Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), một cơ sở thu mua phế liệu "chui" đã tồn tại ở đây nhiều năm. Cơ sở này lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc, cách đó chỉ hơn trăm mét là hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ và có cả một trường mầm non tư thục.
Một người dân cạnh đó cho hay, thấy cơ sở hoạt động tấp nập nhưng không thấy ai kiểm tra. "Đọc báo thấy vụ nổ ở Văn Phú giờ ai cũng rùng mình, chắc tới đây phải kiến nghị chuyển cơ sở này đi thôi", người này nói.
Cơ sở thu mua phế liệu ở đường Mỹ Đình có vị trí "khá đẹp", xung quanh là các tòa nhà cao tầng |
Trong khi đó, hàng loạt điểm thu mua phế liệu tự phát mọc công khai ngay mặt đường Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai).
Có mặt tại đây chúng tôi chứng kiến cảnh thu mua tấp nập vẫn diễn ra. Có điểm còn chứa cả thùng phuy hóa chất, bình oxy - những đồ vật nguy cơ gây cháy nổ.
Trả lời câu hỏi "Liệu có ai kiểm tra hay phải xin giấy phép gì không?", các chủ lò đều vô tư cho hay "không ai cả". Theo những người này, họ tận dụng đất dự án để thuê tạm, dựng lán, tôn rồi thu mua đủ loại phế liệu sắt thép kiếm lời.
"Thi thoảng cũng có người ở phường tạt vào nhắc để ý không được thu mua đồ trộm cắp mà kẻ gian bán chứ không thấy nhắc chuyện bom mìn gì ở đây cả. Còn tôi thì nhất quyết có bom, đạn gì tôi không bao giờ mua đâu", một chủ cơ sở trên đường Nguyễn Xiển cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.