Xe ngựa du lịch nghênh ngang trên đường phố. |
Hấp dẫn những tour du lịch bằng xe ngựa
Xe ngựa từ lâu đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam nhưng hiện nay nó không còn là những chiếc xe ngựa thô sơ thồ hàng mà nó được biết đến là một phương tiện du lịch phục vụ khách trong và ngoài nước.
Trước đây, ở Bến Tre, ngựa được nhà vườn nuôi sử dụng để chở trái cây, hàng hóa. Vài năm gần đây, nhà vườn sử dụng ngựa để kéo xe phục vụ nhu cầu của khách tham quan, du lịch. Đi xe ngựa trên đường quê là chương trình đầu tiên trong mỗi tour du lịch sinh thái. Các du khách được ngồi trên xe ngựa đi vào các con đường làng vòng vèo, tận mắt chứng kiến cảnh sông nước, vườn cây trái sum xuê, cảnh sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tại Tiền Giang và Bến Tre hiện nay có hàng chục con ngựa để phục vụ du lịch. Các cỗ xe ngựa phục vụ khách tham quan trên đoạn đường từ 2-3 km. Dù trời mưa hay nắng gắt, khi có yêu cầu của khách là đoàn xe hoạt động. Do phục vụ là chính nên mức phí đối với các xe ngựa rất thấp, chỉ 25.000 đồng/chuyến. Do đó, dù khách nước ngoài hay nội địa đến với các điểm du lịch sinh thái ở Tiền Giang và Bến Tre đều không thể bỏ qua chương trình đi xe ngựa trên đường quê.
Xe ngựa - nét đặc trưng của du lịch Đà Lạt và là phương tiện không thể thiếu tại xứ thông xanh. Du khách có thể lựa chọn cung đường dạo quanh thành phố để ngắm nhìn những ngôi nhà biệt thự tráng lệ cổ kính hay các danh lam thắng cảnh, phong cảnh núi đồi trùng điệp để thả hồn mình vào xứ sở mộng mơ.
Ở cố đô Huế cũng có dịch vụ xe ngựa đón khách tại Trung tâm dịch vụ Festival 11 Lê Lợi - Huế đi đến các di tích hoàng thành, các lăng tẩm, chùa chiền và các danh lam thắng cảnh theo yêu cầu của khách. Việc đưa xe ngựa vào trong các hoạt động du lịch được người dân xứ Huế ủng hộ, vì nó đã góp phần đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đây là một hoạt động mang tính quảng bá, giới thiệu để du khách hiểu hơn những giá trị di sản mà Huế đang nắm giữ.
Ngựa gây tai nạn
Du lịch bằng xe ngựa rất hấp dẫn du khách, thế nhưng nếu không quản lý, phương tiện này rất dễ gây tai nạn giao thông. Vụ tai nạn giữa xe ngựa và xe máy này xảy ra vào ngày 29/6/2015 tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ông Trần Văn Lân điều khiển xe máy chở vợ là bà Võ Thị Kim Liên ngụ xã Thới Sơn lưu thông trên đường nhựa liên xã, hướng từ cầu Rạch Miễu về cồn Thới Sơn.
Khi đến khu vực trên, vợ chồng ông Lân gặp xe ngựa do ông Nguyễn Văn Đang (63 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) điều khiển theo hướng ngược lại. Bất ngờ, con ngựa lao ra giữa đường, va chạm với xe máy của ông Lân khiến vợ chồng nạn nhân ngã xuống đường. Hậu quả là ông Lân tử vong; bà Liên nguy kịch. Người dân ở Cồn Thới Sơn cho biết xe ngựa ở xã hiện nay rất nhiều, dùng để chở khách du lịch nhưng thời gian gần đây loại xe này lưu thông rất ẩu, rất dễ xảy ra va chạm với các phương tiện khác trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước đó, vào tối 20/6/2013, tại đường Lê Lợi phường Tây Sơn, TP Pleiku, Gia Lai đã xảy ra vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do chiếc xe ngựa chở khách du lịch lấn đường theo chiều ngược khiến chiếc ô tô tránh không kịp, tông vào xe máy đi cùng chiều, hậu quả làm một bé trai 7 tuổi bị gãy chân.
Xe ngựa là loại xe thô sơ, không có tín hiệu đèn hay bất kỳ cảnh báo nào để người tham gia giao thông nhất là vào ban đêm có thể quan sát và né tránh kịp thời nên rất nguy hiểm. Đó là chưa kể tới việc ngựa bỗng dưng “giở chứng” lao vào người đi đường. Một thực thế là, chủ nhân của các cỗ xe ngựa chỉ được tập huấn các kỹ năng, kiến thức hoạt động du lịch cơ bản.
Còn việc đảm bảo an toàn giao thông cho xe ngựa cũng như các phương tiện khác lưu thông trên đường lại ít được quan tâm. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”.
Như vậy, người điều khiển xe súc vật kéo nói chung, xe ngựa nói riêng là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (xe thô sơ) và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Có thể thấy, vấn đề an toàn giao thông cho loại hình du lịch xe ngựa chưa được quan tâm, quản lý đúng mức của ngành chức năng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.