Hiệp hội taxi Hà Nội không đồng tình với Dự thảo Taxi

Ý kiến 09/08/2017 09:07

Đã chịu sức nóng từ Uber và Grab, nay những người kinh doanh taxi cho rằng sẽ chịu thêm nhiều điều bất hợp lý từ một dự thảo về quản lý taxi.

 

Hiệp hội taxi Hà Nội không đồng tình với Dự thảo T
Taxi hoạt động trước cổng bến xe Mỹ Đình - Ảnh: LÂM HOÀI

Đóng góp ý kiến cho dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã không đồng tình nhiều quy định trong dự thảo này.

Một trong những nội dung không đồng tình là "Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan làm việc với Hiệp hội taxi thành lập trung tâm điều hành chung của của các đơn vị vận tải xe taxi...; sau khi thành lập nếu hãng nào không tham gia, sử dụng điều hành chung thì sở đề nghị Cục tần số cắt dịch vụ”.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, nếu ra đời, trung tâm này sẽ cần tới 500 người làm việc và thành lập thêm bộ máy vận hành quản lý nhưng "chưa rõ chi phí này sẽ do thành phố hay các doanh nghiệp taxi gánh chịu".

Đấy là chưa kể đến chuyện các trung tâm điều hành của các doanh nghiệp hiện nay được đầu tư rất lớn và hiện đại, giá trị lớn, vì thế một khi có trung tâm chung thì số phận của các cơ sở riêng của doanh nghiệp đi về đâu. 

Một nội dung khác liên quan tới việc đấu giá quyền khai thác kinh doanh cũng được Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị bỏ.

Lý do, theo tổ chức này, kinh doanh vận tải bằng taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện và có đi kèm các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người, phương tiện... mới được cấp giấy phép kinh doanh.

Do vậy nếu tiếp tục yêu cầu đấu giá quyền khai thác kinh doanh sẽ tạo thêm một rào cản cho các doanh nghiệp.

Về quy định vùng phục vụ trong dự thảo, Hiệp hội taxi khẳng định việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi.

Nguyên do là vì trên thực tế việc phân địa giới hành chính giữa các quận huyện là gây khó khăn đối với các lái xe và doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp có địa bàn hoạt động khu vực giáp ranh giữa các quận huyện với nhau.

Phân vùng cũng dẫn tới việc tăng số kilomet rỗng, tăng chi phí quản lý, vận hành của lái xe và hãng xe.

“Từ ngày 1-7-2018, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành đặt gọi taxi kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của trung tâm điều hành giao thông thành phố...”, theo nội dung của Dự thảo này. 

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng việc cơ quan quản lý đứng ra vận hành một trung tâm điều hành kinh doanh chung cho tất cả các doanh nghiệp sẽ tạo ra một mô hình mang dáng dấp hợp tác xã, bao cấp, trái với quy luật của kinh tế thị trường...

“Do vậy, các doanh nghiệp taxi đều lo ngại nếu quy chế được ban hành sẽ tạo ra nhiều rủi ro, dẫn đến sự phá sản của toàn bộ doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội”, ông Bình nói. 

Taxi có nguy cơ phá sản vì Grab, Uber

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện nay các xe của Uber, Grab đang phát triển tốc độ chóng mặt lên tới hàng chục nghìn xe, riêng Hà Nội khoảng 20.000 xe.

Có việc các công ty với tiềm lực tài chính rất lớn từ nước ngoài hỗ trợ nên các hãng này đã hạ giá cước tới mức thấp nhất khiến 50% khách hàng đã rời taxi truyền thống.

“Hậu quả hiện nay là các doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt, doanh thu giảm từ 50-60%, hàng chục nghìn lao động đã nghỉ việc, số lao động còn lại mất việc làm, phương tiện không có người lái, các doanh nghiệp nguy cơ không trả được nợ...”, ông Đỗ Quốc Bình nêu trong văn bản gửi tới Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận