Bãi xe trái phép rộng hàng nghìn mét vuông trên phần đất phục vụ xây dựng đường Vành đai 2, đoạn qua phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân (Hà Nội). (Ảnh: Lê Minh) |
Bãi xe “khủng” trên đất dự án giao thông trọng điểm
Qua phản ánh của bạn đọc, gần đây, một bãi trông giữ phương tiện trái phép, ngang nhiên mọc lên khu đất phục vụ thi công làm đường Vành đai 2. Điều đáng nói, bãi xe này chỉ cách trụ sở chính quyền sở tại chỉ vài trăm mét.
Từ những thông tin bạn đọc cung cấp, Tạp chí GTVT đã tìm hiểu và ghi nhận thực tế. Tại khu đất đầu phố Trường Chinh giao cắt với Đại La (Thanh Xuân, Hà Nội), một bãi trông giữ phương tiện rộng cả nghìn mét vuông ngang nhiên tồn tại mà không đảm bảo các điều kiện dịch vụ trông giữ phương tiện. Ngoài ra, một lán rửa xe cũng được dựng lên ở phía trong để “núp bóng” hoạt động trông giữ xe của mình.
Trong vai một người có nhu cầu gửi xe, khoảng 10h ngày 15/7, chúng tôi tiếp cận bãi trông giữ xe trái phép này. Theo một nhân viên của bãi trông giữ xe, giá ở đây “bình dân” nhất trong khu vực. Nếu gửi xe theo tháng, chỉ 1,2 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/tháng. Còn nếu gửi theo giờ, thì 50.000 đồng/giờ/ôtô. Khi được hỏi có phiếu thu, vé xe không, người này thẳng thắng trả lời, bãi trông giữ không phép, chỉ cần đăng ký về ghi sổ là được…
Tại thời điểm ghi nhận thực tế, phóng viên nhận thấy bãi xe này hiện đang có hàng trăm xe ô tô loại từ 4 đến 7 chỗ và các loại xe cứu thương. Tính trung bình mỗi xe gửi ở đây khoảng 50.000 đồng/giờ/ôtô, mỗi ngày nguồn thu từ bãi xe này là rất lớn.
Nhân viên bãi xe thu tiền của khách với giá 50.000 đồng/ giờ/ ô tô 4 chỗ. (Ảnh: Lê Minh) |
Nhiều người dân sinh sống gần bãi đỗ xe bức xúc: Bãi xe này đã xuất hiện được một thời gian tuy nhiên mức giá trông giữ xe lại khá "chát" mà thiết bị phòng cháy chữa cháy không có. Chúng tôi lo không biết có đảm bảo cho tài sản cũng như an toàn của những người dân sống xung quanh đây hay không khi chẳng may có sự cố cháy nổ xảy ra.
Một người dân khác cho biết: Từ khi bãi xe tại gầm cầu vượt Vọng quá tải, lượng xe tập kết về đây ngày càng nhiều. Tính ra chủ bãi đỗ xe trái phép này phải thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Điều đáng nói, bãi xe có cửa ra nằm nút giao thông ngã tư Vọng - Giải Phóng là nơi có lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện UBND phường Phương Liệt - xác nhận, bãi xe này mới phát sinh, nằm trên đất dự án xây dựng đường Vành đai 2.
“Khu đất này được địa phương bàn giao cho Công ty cổ phần tập đoàn Vingroup - là chủ đầu tư tuyến đường Vành đai 2 quản lý từ cuối năm 2019. Kể từ đó đến nay, một số cá nhân đã sử dụng làm bãi trông giữ trái phép gây ảnh hưởng lớn tới tình hình ANTT, ATGT trên địa bàn phường”, vị này cho biết.
Khi phóng viên đề cập đến thời gian xử lý bãi xe không phép này, đại diện UBND phường Phương Liệt cho biết: Sau khi nắm bắt sự việc, UBND đã xây dựng kế hoạch giải tỏa bãi xe này; đồng thời có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn Vingroup có biện pháp bảo vệ, chống tái lấn chiếm phần đất đã được bàn giao trong khi chưa triển khai dự án.
Hàng trăm ô tô ra vào nhộn nhịp tại bãi xe tại chân cầu vượt Vọng - Đại La. (Ảnh: Lê Minh) |
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm ATGT và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt.
Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện.
Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Tổng chiều dài đoạn tuyến xấp xỉ 5,1 km. Các hạng mục gồm: cầu chính (bề mặt 19 m), cầu dẫn (bề mặt 7 m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Đây là dự án do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT, tổng vốn đầu tư khoảng 9.400 tỉ đồng, trong đó 4.194 tỉ đồng chi cho giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2020 sau 30 tháng thi công. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.