Hồ Chí Minh với vận mệnh dân tộc

Tác giả: Minh Khánh

saosaosaosaosao
16/02/2018 20:56

Việt Nam - Hồ Chí Minh, một dân tộc - một con người, con người ấy dành trọn cả cuộc đời để cứu dân cứu nước khỏi ách lầm than nô lệ, tiến lên con đường ấm no, hạnh phúc. Có thể nói, hồn cốt của dân tộc được thể hiện chân thực qua con người của Bác rất đỗi bình dị, trong sáng nhưng bất khuất, kiên cường.

 

bc3a1c-he1bb93-14
 


Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã có ý thức gắn vận mệnh cá nhân mình với vận mệnh chung của đồng bào, đất nước, luôn đau đáu một nỗi niềm: Hỏi xem non nước mất hay còn! Đấy chính là những biểu hiện ban đầu của một nhân cách lớn, một trí thức chân chính: Luôn luôn trăn trở, đau đớn trước nỗi nhục mất nước, đồng bào nô lệ, lầm than, suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến số phận con người và các giá trị làm người.

Năm 1945, trong tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người long trọng tuyên bố: “Chính phủ là công bộc của dân”. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui”. Sự thật thì quốc dân đồng bào không bao giờ để Người “lui” mà đã tin tưởng “ủy thác” suốt đời cho Người chức vụ cao quý: Lãnh tụ cao nhất của Đảng, của dân tộc. Cho đến lúc sắp đi xa, Người còn dặn lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với Người, đảng với nhân dân và dân tộc phải là một. Đảng là “đứa con nòi” của giai cấp, của nhân dân, nhưng được nhân dân, dân tộc ủy thác quyền lãnh đạo, bởi vậy Đảng phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết.

Hồ Chí Minh đã thật sự lấy nguyện vọng, ham muốn của đồng bào, mọi người Việt Nam làm nguyện vọng, ham muốn cao nhất của mình, lấy cái tâm của dân làm cái tâm của cá nhân mình. Trên đất nước này, nếu nước nhà chưa được thống nhất, Bắc - Nam còn bị chia cắt, một bộ phận đồng bào còn bị đọa đày, lầm than, nô lệ thì Người còn cảm thấy đau đớn khôn nguôi; nếu có một người Việt Nam còn đói, rét, dốt, bệnh tật thì Hồ Chí Minh cho rằng mình chưa hoàn thành trách nhiệm, còn có lỗi với đồng chí, đồng bào. Người đau nỗi đau chia cắt đất nước, vui, buồn cùng với nhân dân, sẵn sàng hy sinh đời sống riêng tư mà ở đời và làm người ai cũng cần phải có.

Trong quá trình tìm đường cứu nước cứu dân và định hình đường lối chính trị giải phóng, giành độc lập dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ hoạt động ở châu Âu, ở các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa mà Người còn hoạt động ở phương Đông, châu Á, tìm hiểu thực tiễn các phong trào đấu tranh ở Trung Quốc và Thái Lan. Những cứ liệu từ thực tiễn đó giúp cho Người so sánh, phân tích, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong các kết cấu kinh tế - xã hội, các mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ở những khu vực địa chính trị tiêu biểu, nơi diễn ra những phân hóa và mâu thuẫn giai cấp, dân tộc rất khác nhau giữa phương Tây và phương Đông, giữa các nước tư bản châu Âu với các nước châu Á đang còn tồn tại rất nhiều tàn tích phong kiến và đang là đối tượng khai thác, nô dịch của chủ nghĩa thực dân.

Mối quan tâm đặc biệt nổi bật của Người là tình hình Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam khi đã mất độc lập chủ quyền và đang bị chủ nghĩa thực dân đè nén, thống trị. Do đó, đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu, khảo sát thế giới, khu vực và quốc tế cũng chỉ nhằm hướng tới giải phóng và phát triển dân tộc mình, đặt cách mạng Việt Nam trong phong trào cách mạng thế giới sao cho phù hợp với trào lưu, xu thế chung của lịch sử thế giới và thời đại. Bước ngoặt lớn trong sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là khi Người giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Chỉ có cuộc cách mạng này mới giải phóng được giai cấp vô sản, giải phóng các dân tộc bị áp bức khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân, mới thực hiện được độc lập tự do, hòa bình và hạnh phúc cho các dân tộc.

Theo GS. TS. Tô Huy Rứa - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thì những sáng tạo và cống hiến lịch sử của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH thể hiện ở những điểm nổi bật như sau: Một là, nhận thức sáng tạo về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mác - Lênin; hai là, vạch trần bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân và nêu lên tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa phải phối hợp chặt chẽ với cách mạng vô sản ở chính quốc; ba là, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, giữa giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp trên lập trường giai cấp công nhân; bốn là, nhờ có lý luận và phương pháp cách mạng đúng đắn, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân và dân tộc ta đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và mới, đưa dân tộc ta vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong của thế giới, xây dựng CNXH phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của nước ta; năm là, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH thể hiện một quan hệ biện chứng, thấm nhuần sâu sắc quan điểm thực tiễn - phát triển và đổi mới.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện với thế giới. Đón nhận nhiều giá trị của nền kinh tế thị trường, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại, nhiều thời cơ hợp tác làm ăn mới… đã giúp đất nước đạt được những thành tựu vĩ đại chưa từng có. Tuy nhiên, quá trình mở cửa cũng buộc chúng ta phải tiếp nhận theo nhiều mặt trái của nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; quên mất mình là “đầy tớ phục vụ nhân dân” như lời Bác đã dạy, cũng đồng nghĩa rơi vào con đường suy thoái.

Bởi thế, soi mình vào tấm gương của Bác để cảm nhận sâu sắc hơn về tình thương yêu bao la trọn một đời vì dân, vì nước. Từ đó, không chỉ là cảm nhận sâu sắc hơn tầm vóc vĩ đại của Người, mà còn thêm quyết tâm tự giác làm theo tấm gương đó với tinh thần nỗ lực phấn đấu cao nhất, đóng góp sức lực và trí tuệ vào phát triển đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Ý kiến của bạn

Bình luận