Giải pháp “Di chuyển an toàn” hỗ trợ phòng dịch được triển khai miễn phí cho các doanh nghiệp vận tải |
Sẵn sàng hỗ trợ 120.000 xe vận tải phòng dịch
Ngày 30/9, ông Phạm Thái Hòa - giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghệ Bình Anh (BA GPS) - cho biết đã đề xuất lên Chính phủ và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc sẵn sàng hỗ trợ phòng dịch cho 120.000 xe vận tải bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
BA GPS cũng sẵn sàng cung cấp phi lợi nhuận dịch vụ công nghệ này cho các nhà cung cấp camera để miễn phí cho các xe vận tải. Hành khách đi xe và doanh nghiệp vận tải không phải phát sinh thêm bất kỳ chi phí, không phải cài đặt thêm ứng dụng nào. Công nghệ AI đơn thuần chỉ kết nối và tích hợp vào phần mềm quản lý xe trực tuyến sẵn có của doanh nghiệp vận tải.
Vừa qua, làn sóng lây lan dịch bệnh Covid-19 giữa các tỉnh thành chủ yếu qua đường bộ, đặc biệt lây nhiễm qua hành khách và lái/phụ xe đường dài, gây tổn hại lớn đến kinh tế - xã hội. Hàng loạt các tỉnh - thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng… xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng đến mức phải khởi tố.
Khi xã hội chuyển mình sang giai đoạn thích ứng an toàn, sống chung với dịch Covid-19, thì việc phòng dịch trên phương tiện vận tải khách sẽ vô cùng cấp thiết. Môi trường trên phương tiện vốn khép kín, yếm khí, khó truy vết, dễ lây nhiễm, sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước và ý thức tự giác phòng dịch của người dân.
Nghị định 10/2020 quy định xe chở khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo, xe container phải lắp Camera trước ngày 1/7/2021. Vừa qua, các Hiệp hội vận tải kiến nghị, Chính phủ đã đồng ý tạm ngưng xử phạt đến 31/12/2021 để tháo gỡ một phần khó khăn và để các đơn vị vận tải gấp rút hoàn thành Nghị định 10. Đã 50% chặng đường Chính phủ tạm dừng xử phạt, tuy nhiên số lượng Camera lắp đặt tăng lên không nhiều. Bộ Giao thông vận tải đã ra thông tư 16/2021 quy định các loại xe nói trên đi kiểm định bắt buộc phải lắp camera từ 1/10/2021, nhằm tăng dần số lượng phương tiện lắp camera, góp phần hoàn thành Nghị định 10 và phòng chống dịch bệnh.
Cuối năm 2021, cả nước sẽ có khoảng 120.000 phương tiện vận tải hành khách hoàn thành lắp camera theo quy định (Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Nghị quyết 66/NQ-CP). Việc lắp camera trên xe không chỉ mang lại hiệu quả trong việc quản lý hoạt động vận tải, an toàn giao thông, an ninh trật tự, mà còn là chốt chặn quan trọng trong phòng dịch.
Giảm tới 90% số người không đeo khẩu trang nhờ công nghệ AI
Trước đó, Công ty BA GPS đã sử dụng công nghệ AI và chủ động cung cấp miễn phí chức năng “DI CHUYỂN AN TOÀN” cho một số doanh nghiệp vận tải. Công nghệ AI kết nối với các camera trực tuyến trên phương tiện vận tải, đưa ra thông báo nếu hành khách hay nhân viên trên xe không đeo khẩu trang hay quá giới hạn ngưỡng an toàn về giãn cách và mật độ trên xe. Các cảnh báo tự động gửi tới doanh nghiệp vận tải, lái xe và phụ xe.
Tỷ lệ người không đeo khẩu trang giảm sâu so với trước khi triển khai công nghệ AI |
Từ tháng 6/2021, BA GPS đã chủ động triển khai cho cho gần 1.000 đầu xe vận tải khách. Kết quả đã giảm khoảng 3 lần số người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách (từ 23% xuống còn khoảng 6-7%).
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết việc áp dụng công nghệ AI đã giảm 80 - 90% người không đeo khẩu trang trên xe vận tải. Vừa qua, Hiệp hội đã có văn bản cung cấp thông tin để các đơn vị vận tải chủ động áp dụng, đúng theo chủ trương phòng dịch của Chính phủ “Một đồng phòng dịch để không mất hàng trăm, hàng triệu đồng chống dịch” và “vaccine + 5K + Công nghệ".
Từ giữa năm 2020, các nước trên thế giới (Pháp, Ấn độ, Mỹ, Trung Quốc...) đã phổ biến áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết nối hệ thống camera để phòng dịch đặc biệt trên các phương tiện vận tải. Hệ thống sẽ theo dõi, cảnh báo tình trạng vi phạm giãn cách, không đeo khẩu trang, mật độ hành khách. Môi trường phương tiện công cộng vốn khép kín, yếm khí, rất dễ lây nhiễm nên ứng dụng công nghệ AI là biện pháp được các chính phủ rất quan tâm, đặc biệt khi dần nới lỏng giãn cách xã hội và các phương tiện giao thông dần hoạt động trở lại. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.