Với việc liên tiếp hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2016 - 2021) và khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) cho thấy trục đường bộ cao tốc xuyên Việt đang thành hình thể hiện khát vọng và niềm tự hào "đi trước mở đường" của ngành GTVT.
Nhiều dấu ấn nổi bật
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm được đánh giá là tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện, sáng tạo, khoa học, linh hoạt, bài bản, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, tích cực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện với sự cố gắng, nỗ lực, làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành với tốc độ nhanh nhất và chất lượng tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Trước hết là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đã ưu tiên dành thời lượng lớn trong chương trình công tác để xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc, chú trọng việc nâng cao chất lượng của văn bản cũng như tiến độ ban hành nhằm bảo đảm tính kịp thời để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh hoặc tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu tác động của văn bản, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong năm qua, công tác quản lý điều hành hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng vận tải các lĩnh vực tiếp tục tăng cao so với năm 2021 và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đóng góp vào hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 được Bộ GTVT thực hiện hết sức khẩn trương, kỹ lưỡng, bài bản, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Trong đó, Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia theo đúng tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn để kịp thời khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong năm qua, Bộ GTVT tiếp tục có nhiều chuyển biến về công tác giải ngân vốn đầu tư công, là một trong những bộ, ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, phòng, chống thiên tai tiếp tục được thực hiện hiệu quả, bài bản, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương và đất nước.
Ngoài ra, năm 2022, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện công tác chuyển đổi tất cả các tiêu chuẩn ngành, quy định kỹ thuật thành TCVN, đồng thời đẩy mạnh triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung và xây dựng mới các tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu. Đồng thời, Bộ GTVT tích cực triển khai công tác nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ đầu tư xây dựng các công trình giao thông như công nghệ cào bóc tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn; công nghệ tái chế nguội kết cấu áo đường bê tông nhựa tại chỗ; phụ gia dính bám, tăng cường tính năng chất lượng nhựa đường...
Bộ GTVT đã ban hành 01 QCVN, đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 35 TCVN, giao các cục chuyên ngành công bố 21 TCCS. Đặc biệt, Bộ GTVT đang khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ có kết quả thực tế vào năm 2023.
"Điểm sáng" phát triển hạ tầng
Khách quan nhìn nhận, năm 2022, tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia do Bộ GTVT triển khai đều cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Điển hình ở lĩnh vực đường bộ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, ngay những ngày đầu năm 2022, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và ngày 31/12/2022 vừa qua đã đưa thêm đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn dài gần 100 km vào sử dụng để phục vụ nhân dân ngay trước dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Ấn tượng hơn cả là ngày 01/01/2023, Bộ GTVT đã tiến hành khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nói là ấn tượng bởi, để có thể khởi công 12 dự án này, trong thời gian qua, rất nhiều công chức, viên chức của các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT đã không quản ngày đêm, làm việc không có ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ xây dựng các dự án. Trước đây, để làm một dự án nhóm A, từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công phải mất thời gian chừng 2 năm, nhưng với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) với 12 dự án thành phần gồm 25 gói thầu, tính từ lúc Quốc hội khóa 15 ban hành Nghị quyết số 44 ngày 11/01/2022 đến khi khởi công các dự án chỉ mất chưa đầy một năm.
Năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác dự án cải tạo, mở rộng đường cất, hạ cánh và đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất; đã khởi công nhà ga hành khách T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; các cơ quan, đơn vị đang triển khai quyết liệt dự án Cảng HKQT Long Thành (giai đoạn 1) theo đúng kế hoạch; đang tích cực thực hiện các dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo... Ngoài ra, ở lĩnh vực đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa, các dự án đang triển khai xây dựng cũng đang được gấp rút đẩy nhanh theo tiến độ yêu cầu.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng cơ bản, để tăng cường trách nhiệm, giảm bớt thủ tục, tăng tính chủ động trong việc triển khai thực hiện các dự án, năm 2022, Bộ GTVT đã thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các chủ đầu tư, ban QLDA. Đồng thời, Bộ GTVT cũng phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Với nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, phần lớn các công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian qua đều bảo đảm chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.
Giải ngân vốn đứng đầu cả nước
Phát biểu tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Bộ GTVT luôn xác định việc giải ngân mỗi đồng vốn đầu tư công đều rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, vì vậy, lãnh đạo Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đồng loạt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội."
Theo đó, Bộ GTVT đã tiến hành ngay việc điều chuyển nguồn vốn đối với những dự án chậm tiến độ sang dự án khác có tốc độ giải ngân tốt hơn. Bất cứ nhà thầu nào thi công chậm, Bộ GTVT sẽ ra các văn bản cảnh cáo, nếu nhà thầu tiếp tục không có chuyển biến sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng việc cắt chuyển khối lượng giao cho nhà thầu khác thi công nhanh hơn, tốt hơn.
Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tính đến cuối tháng 12/2022, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 41.113 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch so với kế hoạch được bổ sung (55.051 tỷ đồng) và đạt 81% so với kế hoạch giao đầu năm (50.328 tỷ đồng). Dự kiến, đến thời điểm kết thúc năm kế hoạch giải ngân vào ngày 31/01/2023, Bộ GTVT sẽ cơ bản hoàn thành giải ngân vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Kỳ vọng năm 2023
Bộ GTVT vừa tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Đây là lần khởi công nhiều dự án cao tốc nhất, số kilomet dài nhất và khi hoàn thành sẽ cơ bản hình thành trục xuyên Việt thứ 2 trong lịch sử bằng đường bộ cao tốc. Có thể khẳng định, Bộ GTVT đã ghi thêm một dấu mốc trong lịch sử quan trọng của Ngành, cho thấy trách nhiệm hết sức to lớn mà ngành GTVT sẽ gánh vác để làm tròn sứ mệnh "đi trước mở đường", tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ GTVT xác định nhiệm vụ của ngành GTVT trong năm 2023 và giai đoạn tới là hết sức nặng nề, do đó Bộ rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành với Bộ GTVT của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2023, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình, dự án trọng điểm, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các dự án cao tốc Bắc - Nam. Bộ tập trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác GPMB, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân.
Bộ GTVT tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch thực hiện các quy hoạch chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiết giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là mô hình, tổ chức hoạt động của các ban QLDA; tăng cường thanh tra, kiểm tra song song với thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng những gương điển hình, những cách làm mới đột phá, sáng tạo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.