Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực KH&CN là khâu đột phát chiến lược

Tác giả: Đăng Quý

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 09/11/2022 15:35

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa có buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre để trao đổi về định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến ngành KH&CN trong giai đoạn tới.


Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực KH&CN là khâu đột phát chiến lược - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Phát triển KH&CN là đột phá chiến lược

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2026. Để tiếp tục thể chế hóa các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, căn cứ định hướng chương trình xây dựng pháp luật khóa XV của Quốc hội, dự kiến sẽ có 4 luật chuyên ngành KH&CN được sửa đổi, bổ sung, trình Quốc hội cho ý kiến thông qua. Đây là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KHCN&ĐMST nhằm nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Làn sóng công nghệ mới đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia, tạo ra những tác động mạnh mẽ và ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với xu thế phát triển của cuộc CMCN4.0, các cam kết quốc tế Việt Nam mới gia nhập, việc sửa đổi, bổ sung số văn bản quy phạm pháp luật cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định: Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

TP.HCM đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, trong đó có những cơ chế liên quan đến phát triển KH&CN, ứng dụng KHCN&ĐMST. Thời gian tới, TP.HCM đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, ủng hộ để TP.HCM tiếp tục phát huy mô hình công nghệ cao và phát triển công nghệ cao trong giai đoạn mới.

Hoàn thiện pháp luật ngành là nhiệm vụ then chốt

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã có những đánh giá tổng thể về hành lang pháp luật của ngành KH&CN và một số định hướng lớn trong thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực KH&CN là khâu đột phát chiến lược - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại buổi gặp mặt.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN đã tương đối đầy đủ với 10 luật, 56 nghị định, 47 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 270 thông tư, thông tư liên tịch và 20 quyết định của Bộ trưởng còn hiệu lực. Hằng năm, có khoảng 30 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN được sửa đổi ban hành hoặc ban hành mới.

Thực tiễn cho thấy, các quy định pháp luật về KH&CN có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như thương mại, thuế, đất đai, môi trường, y tế, khoáng sản, an ninh, ứng phó tình trạng khẩn cấp,…

Do vậy, vẫn còn một số quy định, chính sách trong các ngành, lĩnh vực khác chưa được điều chỉnh tương ứng. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều văn bản được ban hành trong giai đoạn trước chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời khi các quy định liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, ví dụ một số quy định ưu đãi trong hoạt động KH&CN chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành, lĩnh vực khác như thuế, đất đai, v.v… nên chưa có tạo nên một hệ thống đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng thực thi của chính sách, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.

Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về KH&CN và phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, việc hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN thực sự cấp thiết.

Theo đó, Bộ KH&CN đang đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật về KH&CN trong giai đoạn 2021-2025 tập trung vào việc sửa đổi quy định pháp luật bảo đảm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; giải quyết những vướng mắc, bất cập của văn bản pháp luật hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, cũng cần hoàn thiện pháp luật về KHCN&ĐMST để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo và chủ động tham gia cuộc CMCN4.0 và chuyển đổi số.

Trong năm 2022, với sự góp ý, ủng hộ của các ĐBQH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua. Một trong những chính sách lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là quy định về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực KH&CN là khâu đột phát chiến lược - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ KH&CN và Đoàn ĐBQH chụp ảnh lưu niệm.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hiện Bộ KH&CN đang chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Mặt khác, Bộ KH&CN cũng đã rà soát 04 luật trong lĩnh vực KH&CN gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật KH&CN năm 2013, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008. Dự kiến, Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện việc xây dựng các dự thảo Luật này để trình Quốc hội trong khóa XV.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn khẳng định, tỉnh Bến Tre luôn đặt KHCN&ĐMST là trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có nhiều vấn đề lớn đang đặt ra như biển đổi khí hậu, nghiên cứu chuyển nước mặn thành nước ngọt, các vấn đề liên quan đến ngành dừa,... Đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục ủng hộ để tiềm lực, sức mạnh của KHCN&ĐMST giúp Bến Tre phát triển nhanh, bền vững, sánh ngang bằng với các tỉnh thành ở ĐBSCL.


Ý kiến của bạn

Bình luận