Hoạt động thanh tra chuyên ngành GTVT một năm đầy khởi sắc

Bạn đọc 15/01/2014 14:59

NGUYỄN VĂN HUYỆN Chánh Thanh tra Bộ GTVT


 Thanh tra ngành Giao thông vận tải (GTVT) từ trung ương đến địa phương luôn xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn chặt, không thể tách rời với hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Triển khai chỉ đạo của Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT, năm 2013, Thanh tra Bộ GTVT đã tập trung thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hoạt động đăng kiểm… và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, Thanh tra Bộ đã chỉ đạo và định hướng lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT tập trung hoạt động thanh tra, kiểm tra diện rộng các lĩnh vực và đặc biệt tăng cường hoạt động kiểm soát trọng tải xe cơ giới đường bộ, với quyết tâm cao nhằm mục đích cuối cùng là bảo đảm an toàn giao thông và kéo giảm TNGT, giảm số người chết thương tâm vì TNGT.

Về vận tải, Thanh tra Bộ đã tổ chức 09 đoàn kiểm tra. Trong đó: 07 đoàn kiểm tra về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 địa phương. Đến nay, Thanh tra đã hoàn thành kiểm tra tại 44/63 địa phương. Các đoàn kiểm tra đã kiểm tra 236/1.399 đơn vị kinh doanh vận tải (cố định, taxi, container), trong đó đã kiểm tra 81 hợp tác xã (HTX) (chiếm 34,3% trên tổng số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện kiểm tra 9.409 xe ôtô. Qua kiểm tra đã phát hiện, số HTX không đủ điều kiện kinh doanh vận tải: 49/81 HTX (chiếm 60,5% trên tổng số HTX được kiểm tra); thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải: 47/236 đơn vị (chiếm 20%); thu hồi chấp thuận khai thác tuyến 93; tước quyền sử dụng giấy phép 81/236 đơn vị (chiếm 34,43%); thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình 754 xe; tổng số lỗi vi phạm 468 lỗi, với tổng số tiền xử phạt 1.315,5 triệu đồng. Thanh tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT hành khách bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe ô tô khách tại 14 đơn vị KDVT tại tỉnh Quảng Ninh. Thanh tra Bộ đã đề nghị tước giấy phép KDVT của 03 đơn vị; thu hồi giấy phép KDVT của 02 đơn vị, thu hồi phù hiệu và số nhật trình của 128 xe và xử phạt vi phạm hành chính 57 triệu đồng; kiểm tra các tổ chức, đơn vị thử nghiệm, cung ứng thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) của xe ôtô tại 52 đơn vị cung cấp TBGSHT. Thanh tra Bộ đã đề nghị chấm dứt chỉ định đối với 01 tổ chức đo, thử nghiệm; thu hồi Giấy chứng nhận hợp quy đối với 13 đơn vị.

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã tham mưu trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động, thời gian qua, tiêu biểu là Chỉ thị 12/CT-BGTVT ngày 30/7/2013 về tăng cường quản lý hoạt động KDVT hàng hóa bằng container; Chỉ thị 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 về chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động KDVT bằng xe ô tô.

Về công tác kiểm soát tải trọng xe, trước tình hình xe chở quá tải trên đường bộ đang diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, trực tiếp làm công trình đường bộ xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước và làm mất ATGT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Thanh tra Bộ đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành đường bộ ở trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng vi phạm xe chở quá tải trên đường bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở GTVT đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục VII – Bộ Công an phối hợp, đã kiểm tra 3.368 xe, xử phạt 1.351 xe vi phạm (40,1%), hạ tải 7.271 tấn hàng, tước giấy phép 745 trường hợp, phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng; các địa phương đã xử lý 24.904 xe, buộc hạ tải 69.263 tấn hàng; tước giấy phép 21.823 trường hợp, phạt tiền trên 56 tỷ đồng. Qua kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép đã có sự chuyển biến trong nhận thức của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe, Hiệp hội Vận tải và đặc biệt là sự đồng thuận của xã hội trong việc thực thi pháp luật về vận tải hàng hóa bằng ô tô theo trọng tải cho phép của xe và tải trọng cho phép của cầu đường. Tại các đoạn, tuyến quốc lộ có hoạt động kiểm soát tải trọng xe của lực lượng liên ngành thì số xe quá tải đã giảm.

Về công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra và phối với Vụ Tổ chức cán bộ tiến hành kiểm tra tại một số sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe ô tô, cơ sở đào tạo lái xe mô tô, trung tâm sát hạch và giám sát kiểm tra sát hạch. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm: Xử lý đối với 20 tổ chức và 16 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 đơn vị đã có các hành vi vi phạm trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLXCGĐB; cảnh cáo đối với 02 CSĐTLX; đình chỉ 05 CSĐT lái xe; đình chỉ sát hạch 02 trung tâm; hạ lưu lượng 09 CSĐT lái xe; thu hồi 02 Giấy phép ĐTLX mô tô; kiểm điểm 08 sát hạch viên; đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô đối với 05 CSĐTLX ô tô; đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe mô tô đối với 05 CSĐTLX mô tô A1; đình chỉ hoạt động 01 TTSHLX loại 3 do sân sát hạch; hạ lưu lượng đào tạo lái xe ô tô đối với 05 CSĐTLX ô tô để phù hợp với số lượng xe tập lái và giáo viên hiện có.

Về công tác đăng kiểm, Thanh tra Bộ đang tổ chức thanh tra tại 10 đơn vị đăng kiểm và sẽ thanh tra toàn diện các đơn vị đăng kiểm vào năm 2014.

Về công tác chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Bộ đã tham mưu Bộ GTVT ban hành các văn bản chỉ đạo thanh tra ngành GTVT tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo TTATGT. Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ, năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và 63 sở GTVT đã thực hiện đã thực hiện tổng số 125.591 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử phạt 198.964 vụ vi phạm (bao gồm cả những vụ từ năm 2012 chuyển sang), với số tiền phạt là 102,4 tỷ đồng.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra GTVT là một trong những nhiệm vụ Thanh tra Bộ quan tâm và thực hiện thường xuyên. Năm 2013, Thanh tra Bộ đã tổ chức 10 buổi tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ, cụ thể: Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở GTVT Hải Dương (tháng 6/2013 tại Hải Dương); Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng; tập huấn, trao đổi nghiệp vụ với Thanh tra Bộ Giao thông Công chính của Lào; tổ chức 05 lớp tập huấn cho 126 học viên thuộc 63 thanh tra sở GTVT về công tác quản lý, sử dụng phần mềm báo cáo và chỉ đạo hoạt động thanh tra ngành GTVT (tinspect) tại 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong việc lắp đặt, sử dụng và chấp hành quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị GSHT tại Hà Nội và TP. HCM cho 63 sở GTVT trong toàn quốc với 463 đại biểu tham dự (lý thuyết và thực hành thanh tra thiết bị GSHT trên xe ô tô khách); tổ chức tập huấn về nghiệp vụ thanh tra vận tải và xử lý vi phạm xe quá khổ quá tải cho lực lượng thanh tra GTVT đường bộ tại TP. Đà Nẵng.

Thanh tra Bộ đã thiết lập và duy trì trang thông tin điện tử (www.thanhtra.mt.gov.vn) để tuyên truyền chính sách, pháp luật về thanh tra, kiểm tra pháp luật về GTVT và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) tuyên truyền các chuyên đề về hoạt động thanh tra như thanh tra đào tạo cấp giấy phép lái xe, thanh tra, giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, biện pháp bảo đảm điều kiện KDVT…; triển khai phần mềm chỉ đạo, quản lý và báo cáo hoạt động thanh tra chuyên ngành (www.it.mt.gov.vn/tInspect) trong toàn lực lượng thanh tra ngành GTVT.

Thanh tra Bộ luôn xác định hoàn thiện hệ thống pháp luật thanh tra ngành GTVT là nhiệm vụ trọng tâm, là phương tiện của quản lý nhà nước về thanh tra. Năm 2013, Thanh tra Bộ đã chủ trì xây dựng 01 Nghị định (Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31/5/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành GTVT), chủ trì xây dựng 10 dự thảo Thông tư (trong đó 01 Quy chế Thanh tra công vụ), các Thông tư đã quy định thống nhất tổ chức bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, tổ chức, nhiệm vụ của Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; quy định tiêu chuẩn chuyên ngành GTVT đối với thanh tra viên, công chức thanh tra ngành GTVT; quy định quy trình về thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính để lực lượng thanh tra ngành GTVT thống nhất thực hiện; quy định trách nhiệm của cá nhân và việc xử lý cá nhân vi phạm trong hoạt động thanh tra ngành GTVT. Đến nay, các dự thảo Thông tư cơ bản đã được trình Bộ trưởng ký ban hành.

Với những nỗ lực của lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT trong thời gian qua và đặc biệt là chỉ đạo, điều hành của Thanh tra Bộ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành đã góp phần tích cực trong công tác bảo đảm ATGT và kiềm chế TNGT và đã được Chủ tịch UBATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá cao và tặng thưởng Cờ thi đua, Bằng khen nhiều năm liền.

Ý kiến của bạn

Bình luận