Các địa phương quản lý theo hình thức “ủy thác”
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện, Sở GTVT Điện Biên quản lý chiều dài QL nhận ủy thác nhiều nhất với 468km, tiếp theo là Sở GTVT Thanh Hóa quản lý 457km. Lần lượt sau đó là 11 Sở quản lý từ 300 – 400km, 09 Sở quản lý từ 200 – 300km; 12 Sở quản lý từ 100 – 200km và 17 Sở quản lý dưới 100km. Sở GTVT Hậu Giang là đơn vị quản lý ít nhất với 15km QL.
Tuy nhiên, bên cạnh một số sở GTVT làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu trong duy tu, bảo dưỡng như một số tuyến QL do Tuyên Quang quản lý, hoặc QL18 đoạn Tiên Yên – Móng Cái do Sở GTVT Quảng Ninh quản lý thì vẫn còn nhiều sở GTVT chưa coi trọng, chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp do mình lựa chọn làm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên QL và nhà thầu thi công sửa chữa công trình đường bộ. Điều đó dẫn đến chất lượng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác của doanh nghiệp được bảo dưỡng.
Việc ủy thác cho các sở GTVT quản lý QL là thực tế khách quan, đã thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy còn có những mặt hạn chế, cần phải khắc phục, song việc ủy thác quản lý QL đã góp phần phát huy lực lượng của các sở GTVT tại từng địa bàn, góp phần giảm tải công việc và giảm bộ máy cho các cục và các chi cục Quản lý đường bộ và các ưu điểm khác. Đối với các tuyến QL trục chính (QL1, đường HCM…) và các công trình có quy mô lớn, phức tạp (hầm Hải Vân, đường cao tốc, cầu Lớn…), các cục quản lý đường bộ quản lý sẽ phù hợp hơn hình thức ủy thác.
Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang cho biết, hiện nay, Sở đã đặt hàng công tác quản lý, bảo trì QL với 05 đơn vị, trong đó có 01 Công ty TNHH; 01 Công ty cổ phần; 01 Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ và 02 đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Cơ cấu tổ chức các đơn vị gồm: Ban lãnh đạo; các phòng nghiệp vụ; đội thiết bị xe máy; các đội sửa chữa đường. Lực lượng chủ yếu thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên là công nhân chuyên nghiệp của các đơn vị, ngoài ra, thực hiện giao khoán cho hộ dân ven đường (đối với các đoạn tuyến vùng sâu, vùng xa) để đảm bảo tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho các hộ dân.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Sở GTVT Hưng Yên cho biết, mặc dù thời gian qua kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo trì còn hạn chế, nhưng Sở GTVT Hưng Yên đã rất tích cực, chủ động áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng và quản lý bảo trì đường bộ, gồm: Dán sợi cácbon, sợi thủy tinh để sửa chữa, tăng cường cầu; sử dụng khe co giãn FEBA, khe co giãn răng lược thay thế khe cao su bản thép; sử dụng vật liệu carboncor altphan; nhũ tương phân tách chậm để sửa chữa vá mặt đường, mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.
“Đấu thầu” công tác ủy thác quản lý, bảo trì quốc lộ
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, các tuyến QL ủy thác chậm triển khai công tác đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên so với các QL không ủy thác. Cụ thể, quý I năm 2014 có 4 tuyến QL do Cục quản lý được đấu thầu thành công với tổng chiều dài 482km (QL10, QL9, QL26 và QL1 qua Bạc Liêu). Thời điểm này, chưa có QL ủy thác nào tổ chức đấu thầu. Một số sở GTVT chưa quyết tâm thực hiện chủ trương đấu thầu và có văn bản đề nghị chưa đấu thầu (như: Lai Châu, Đăk Lăk).
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2014, Tổng cục sẽ rà soát để xây dựng kế hoạch đấu thầu toàn bộ các tuyến còn lại để thực hiện trong năm 2015. Tuy nhiên, các đoạn QL có chiều dài ngắn (Ví dụ: QL1C tại TP. Nha Trang dài 17km, giá chưa đến 700 triệu, hoặc các đoạn sắp bàn giao đầu tư (như QL1 Pháp Vân – Cầu Giẽ) thì việc đấu thầu bảo dưỡng sẽ không hiệu quả.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La thăng nhấn mạnh: Tổng cục ĐBVN đôn đốc các đơn vị tham gia ủy thác quản lý, bảo trì QL trong năm 2015 tiếp tục thực hiện tốt công tác đấu thầu theo luật đấu thầu; thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa phải được xã hội hóa, từ đó nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí bảo trì. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, cơ giới hóa trong công tác bảo trì, sửa chữa đường bộ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các đơn vị được ủy thác và gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; Mặt khác, Tổng cục ĐBVN cần tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các địa phương trong công tác ủy thác quản lý, bảo trì QL; tăng cường đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe để giữ gìn kết cấu hạ tầng đường bộ, chống tiêu cực ở các trạm cân tải trọng.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cục ĐBVN phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và xem xét tiếp tục công tác ủy thác đối với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt. Văn phòng Quỹ Bảo trì Đường bộ Trung ương cần có kế hoạch cụ thể để phân bổ vốn kịp thời và hợp lý ngay từ đầu năm.
Bộ trưởng chỉ đạo các sở GTVT tăng cường công tác nghiệm thu theo khối lượng công việc hoàn thành để khuyến khích các nhà thầu tự giác sửa chữa ngay khi có đường hỏng; tăng cường công tác giám sát đảm bảo hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ hệ thống biển báo, tải trọng cầu đường… Các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng, tăng cường biện pháp đảm bảo ATGT, góp phần giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí; có kế hoạch đầu tư xây dựng cầu treo, cầu dân sinh ở những vùng khó khăn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.