Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỷ lệ hút thuốc ở lứa tuổi học đường, thì nam học sinh là 6,5%, nữ học sinh là 1,2%. Như vậy, cứ 100 học sinh, trung bình có từ 7 đến 8 em hút thuốc. Chính vì vậy, các nhà trường cần chú trọng giáo dục học sinh, ngăn chặn sớm nạn hút thuốc lá.
“Mua thuốc lá từ tiền tiêu vặt”
Một thực trạng hiện nay rất đáng báo động là số người hút thuốc ngày càng trẻ hóa. Cảnh những cậu học trò mới học PTCS, mà trên môi đã phì phèo điếu thuốc gần như hiện diện ở khắp nơi. Phóng viên có mặt tại một quán nước cạnh một trường trên địa bàn quận Hoàng Mai. Tại đây, một nhóm học sinh cả nam và nữ túm tụm uống nước. Lúc sau, một trong số đó rút ra bao thuốc mời cả nhóm hút. Đáng nói, trong số 5 học sinh thì có đến 4 em nam hút, còn duy nhất em nữ không hút.
Lân la hỏi chuyện, một học sinh cho biết: “Nhà cháu cả bố và mẹ đều hút. Lúc đầu ngửi thấy sợ, nhưng về sau cũng thành quen. Đi học, thấy bạn bè hút, rồi tập hút, giờ thấy quen”. Khi được hỏi về nguồn tiền để mua thuốc lá thì các em cho biết rằng đó là tiền tiêu vặt bố, mẹ cho. Từ thực tế đó cho thấy, khi cha, mẹ giao phó con cái cho nhà trường là hầu hết bỏ mặc sự kiểm soát. Bên cạnh đó, việc thoải mái cung cấp tài chính cho con và không quan tâm tới việc con mình sử dụng có đúng mục đích hay không cũng là điều phụ huynh cần xem lại.
Việc học sinh hút thuốc đang diễn ra ở nhiều nơi. |
Tại hội thảo cập nhật thông tin về Ngày Thế giới không thuốc lá và thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh, thiếu niên, tỉ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm hơn 48%. Như vậy, với dân số hơn 90 triệu người, trên toàn quốc đã có khoảng hơn 15 triệu nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá, trong đó có 21,6% ở độ tuổi từ 16 - 24 đã hút thuốc. Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh độ tuổi 13 - 15 (năm 2007), có 17% số học sinh nam thử hút thuốc lá trước 10 tuổi, hơn 10% cho biết sẽ có ý định hút thuốc trong tương lai.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó khoa lao và bệnh phổi – Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội cho biết: “Trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính, hay còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được. Ngoài ra, khói thuốc lá còn là nguyên nhân của nhiều bệnh như: Ung thư phổi, ung thư vùng hầu. Thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn, lượng nicôtin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể càng cao”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó khoa lao và bệnh phổi – Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội cho biết: “Trẻ em hút thuốc sớm sẽ học kém hơn. Bệnh thường thấy rõ nhất là viêm đường hô hấp mãn tính, hay còn gọi là gây khó thở trường kỳ tắt nghẽn đường hô hấp không phục hồi được. Ngoài ra, khói thuốc lá còn là nguyên nhân của nhiều bệnh như: Ung thư phổi, ung thư vùng hầu. Thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn, lượng nicôtin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể càng cao”.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá, nếu như số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá năm 1998 mới chỉ 5.000 tỉ đồng, thì đã tăng liên tục theo các năm, đến năm 2002: 10.400 tỉ đồng; năm 2007 là 14.000 tỉ đồng và nay con số đó lên tới cả vài chục ngàn tỉ đồng. Số tiền đó gần bằng mức chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục tính theo đầu người. Chính vì vậy, cần phải đưa những nội dung về tuyên truyền phòng, chống thuốc lá vào trường học.
Lồng ghép vào các hoạt động chung của trường
Để xây dựng được trường học không khói thuốc, theo các chuyên gia, các trường phải thành lập Ban chỉ đạo xây dựng trường học không khói thuốc; khảo sát thực trạng hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học; xây dựng nội quy và kế hoạch thực hiện; phổ biến nội quy nhằm thông tin rộng rãi đến cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường về nội quy và các hoạt động thực hiện xây dựng trường học không khói thuốc. Tiếp theo, cần triển khai các hoạt động như treo biển “Cấm hút thuốc”… ở chỗ dễ quan sát; xây dựng góc truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá; tổ chức phát thanh định kỳ trong giờ giải lao, tiết chào cờ về tác hại của thuốc lá; phối hợp với chính quyền địa phương, phổ biến và thực hiện nghiêm quy định về cấm bán thuốc lá cho học sinh, phối hợp với cha, mẹ học sinh giám sát việc hút thuốc của học sinh. Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện xây dựng trường học không khói thuốc, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp can thiệp, rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trường học không khói thuốc.
Để làm được điều đó, cần trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ mọi người. Thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên, lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá. Phê bình giáo dục những học sinh lén lút hút thuốc, hoặc lôi kéo bạn hút. Các giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm cần lưu ý phân tích với học sinh về tác hại của khói thuốc lá, giúp đỡ các em đã chớm nghiện bỏ thuốc lá sớm. Tuy nhiên, để môi trường học đường không khói thuốc, điều quan trọng là mỗi thầy giáo phải tự làm gương nói không với thuốc lá tại trường. Nếu không, môi trường học đường vẫn tràn khói thuốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.