Học sinh Đắk Lắk lập Facebook phản đối học thêm

05/10/2016 04:52

Thời gian qua, nhiều học sinh THPT tại Đắk Lắk lên Facebook phản đối nhà trường tổ chức dạy thêm. Theo những học sinh này, trường dạy thêm không chất lượng, mất thời gian.

Screenshot_20161003081445
Học sinh lên mạng phản đối việc dạy thêm, học thêm. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngày 13/9, một số học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tụ tập trước cổng trường phản đối học phụ đạo.

Theo một học sinh, ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần, các em phải học tăng tiết ba buổi, mỗi buổi bốn tiết. Giá mỗi tiết 6.000 đồng.

“Mỗi lớp gần 30 học sinh, mức thu 6.000 đồng quá cao. Học sinh đông, không tiếp thu được hết kiến thức nên hiệu quả thấp”, em này nói.

Một số học sinh đã lập nhóm kín trên Facebook với tên gọi “Phản đối sự ép buộc học phụ đạo THPT Cao Bá Quát - BMT”. Nhóm này có gần 600 thành viên được cho là do học sinh và phụ huynh của trường điều hành.

Tương tự tại Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin), sau khi nghe nhà trường thông báo việc học thêm, một số em lập nhóm kín trên Facebook phản đối. Sau đó, nhóm này đã tự giải tán do nhà trường không tổ chức dạy thêm nữa.

Tại Trường THPT Trần Phú (TP Buôn Ma Thuột), một học sinh đã lập Fanpage "Phản đối học phụ đạo Trường THPT Trần Phú". Trang này có hơn 300 thành viên đã like và chia sẻ bài viết ủng hộ.

Em Nguyễn Thi Thu (học sinh lớp 12 Trần Phú) cho biết việc học thêm ở trường chiếm hết thời gian tự nghiên cứu, làm bài tập của học sinh. Sau 1 ngày học, đa số các em học thêm ở ngoài nên về đến nhà từ 20h đến 21h, không còn thời gian tự học. Trình độ của học sinh thường chênh lệch nhau nên buổi học phụ đạo, học sinh chỉ... buồn ngủ, mệt mỏi, không hiệu quả.

"Nếu nhà trường muốn dạy thêm phải phân loại chia lớp và cho học sinh tự chọn giáo viên. Buổi học chính các em đã không hiểu, đến phụ đạo vẫn giáo viên ấy dạy thì làm sao tiếp thu", Thu nói.

Trước thông tin học sinh phản đối học thêm, thầy Ngô Anh Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - cho biết hiện nay, trường mới trong giai đoạn phát phiếu để học sinh đăng ký.

Trước khi phát phiếu, trường đã tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan như Đảng ủy, Hội đồng sư phạm, Hội cha mẹ học sinh... Trong tuần này, sau khi tập hợp đầy đủ phiếu đăng ký, trường mới trình sở GD&ĐT xin giấy phép dạy thêm.

"Việc học thêm ở trường là hết sức cấp thiết vì đơn vị đứng áp chót bảng xếp tốt nghiệp lớp 12 năm ngoái. Tuy nhiên, việc dạy thêm ở trường là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc học sinh", thầy Linh nói.

Thầy Lê Văn Kiệt - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát - cho biết việc trường dạy thêm cho học sinh đã được Sở GD&ĐT Đắk Lắk cấp phép. Giấy phép được cấp có thời hạn từ tháng 9/2015 đến hết tháng 9/2016, việc dạy thêm được triển khai từ năm 2013 đến nay.

Cũng theo thầy hiệu trưởng, việc có nhiều tên gọi như tăng tiết, phụ đạo vì giáo viên và học sinh quen miệng chứ chủ trương của trường là dạy thêm. Việc học thêm có sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và ban giám hiệu. Từ đó, ban lãnh đạo nhà trường mới làm hồ sơ xin sở cấp phép.

Trao đổi với Zing.vn ngày 4/10, ông Trương Thức - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết việc học sinh lập Facebook phản đối dạy thêm là không thể cấm vì đây là quyền của các em.

Theo ông Thức, Facebook cũng là kênh để sở nắm thông tin phản ánh liên quan vấn đề dạy thêm. Tuy nhiên, đây là kênh không chính thức.

"Sở GD&ĐT đã công bố email, điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh liên quan dạy thêm. Học sinh hay phụ huynh phản đối có thể liên lạc trực tiếp qua các kênh này. Khi có thông tin, sở sẽ cử cán bộ xác minh", ông Thức nói.

Cũng theo vị chánh thanh tra, việc dạy thêm ở các trường phải tuân theo quy định hiện hành và không bắt buộc học sinh tham gia. Điều quan trọng là khi các trường xin cấp phép dạy thêm phải phân loại được học sinh. Việc để học sinh có trình độ khác nhau ngồi chung lớp học thêm sẽ dẫn đến không hiệu quả.

Tên học sinh đã thay đổi.

Ý kiến của bạn

Bình luận