Phụ huynh các em học sinh nghèo ở Gia Lai và Kon Tum sau khi được nhận gạo hỗ trợ thì phải đem đi bán cho cơ sở nấu rượu hoặc để làm thức ăn cho gia cầm vì không thể "nuốt" trôi. Ảnh: Trọng Hùng |
Hàng trăm các cháu học sinh khi được nhận gạo hỗ trợ theo Quyết định 36 của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên ngay sau đó nhiều phụ huynh các em đã phải mang bán số gạo trên cho cơ sở nấu rượu hoặc để làm thức ăn cho gia cầm, vì gạo khi nấu cơm quá khô, cứng… rất khó ăn.
Qua tìm hiểu của PV được biết, năm học 2015-2016, học sinh 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã nhận được 4.500 tấn gạo từ Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính Phủ. Tuy nhiên, theo phản ảnh của rất nhiều phụ huynh học sinh có con em thuộc diện được cấp gạo hỗ trợ tại xã Ia Tơi (Ia H’Drai, Kon Tum), sau khi được trợ cấp gạo hỗ trợ theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ, thì ngay sau bữa cơm đầu tiên nấu bằng gạo trợ cấp, họ đã đã phải mang số gạo được nhận đi bán cho các nhà nấu rượu để lấy tiền mua gạo khác về dùng, một số gia đình khó khăn hơn thì trộn với gạo khác để nấu chung, đặc biệt có gia đình để làm thức ăn cho gia cầm vì gạo quá khó ăn khi nấu thành cơm.
Theo ông Phạm Duy Vương- Trưởng thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai cho biết, gia đình ông không có gạo hỗ trợ, nhưng ông nhận được rất nhiều phản ánh của bà con trong thôn, việc gạo hỗ trợ ăn quá cứng, khó ăn nên họ mang bán cho người ta nấu rượu. Phụ huynh Triệu Thị Sỹ, SN 1980, cùng trú thôn 7, Ia Tơi, cho biết, năm học 2015- 2016, con trai chị học lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Tuấn được nhận 150kg gạo, theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi nhận gạo về, gia đình chị Sỹ mang gạo ra nấu cơm ăn thì thấy cơm cứng, lại quá khô, hạt gạo nở to rất khó ăn. Vì vậy, gia đình chị đã mang số gạo này đi bán cho cơ sở nấu rượu với giá 8.000 đồng/kg để thêm tiền mua gạo khác về nhà ăn.
Trước phản ánh trên, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hồng Lan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn thì được biết, năm học vừa rồi trường có 99/185 em học sinh được nhận gạo hỗ trợ theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ. Trường nhận gạo trực tiếp từ Phòng Giáo dục của huyện và sau đó phát cho gia đình học sinh. Bản thân bà Lan không hề nhận được phản ánh về chất lượng gạo từ phụ huynh học sinh, và bà cũng không biết chất lượng như thế nào.
Chị Triệu Thị Sỹ bức xúc trao đổi với phóng viên. Ảnh: Trọng Hùng |
Tuy nhiên, theo ông Văn Trọng Lưu- Phó Trưởng phòng Giáo dục dân tộc- Sở giáo dục tỉnh Kon Tum cho biết, năm học 2015-2016, Sở nhận gạo hỗ trợ từ Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên. Học kỳ I, trên địa bàn tỉnh có 19.071 học sinh được nhận hỗ trợ gạo theo Quyết định 36, với số lượng 1.144.260 kg gạo; học kỳ II là 1.391.925 kg gạo với 18.559 học sinh.
Về chất lượng gạo, ông Lưu thừa nhận, phản ánh trên của phụ huynh học sinh về chất lượng gạo là đúng sự thật. Sau khi được nhận gạo, ông và một số cán bộ khác đã lấy gạo kiểm tra thì thấy gạo bình thường, không bị nấm mốc; khi nấu thử ăn thì thấy gạo khô, cứng và nở nhiều.
Ngay sau đó, Sở Giáo dục trong cuộc họp với Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên cũng đã phản ánh về chất lượng gạo khá khó ăn, và đã đề xuất với Cục Dự trữ có thể giảm số lượng gạo hỗ trợ và tăng chất lượng gạo. Không chỉ gạo hỗ trợ cho học sinh khô, cứng, khó ăn nên người dân đành mang đi bán với giá 8.000 đồng/kg, để mua gạo đắt tiền hơn về ăn. Mà những gia đình hộ nghèo được nhận gạo hỗ trợ từ chính quyền cấp xã cũng nhận được loại gạo này.
Anh Lê Văn Thoại (trú thôn 7) cho biết, Tết nguyên đán vừa qua, gia đình anh nhận được 60kg gạo từ UBND xã, hỗ trợ cho gia đình hộ nghèo. Sau khi nhận gạo về, gia đình anh nấu cơm ăn thấy khô, cứng, rất khó ăn nên gia đình anh đã phải mua thêm gạo có chất lượng cao hơn để mang về trộn với gạo hỗ trợ nấu ăn.
“Chúng tôi đi làm rẫy quần quật cả ngày về người đã rất mệt, cơm thì không có thức ăn gì, mà phải ăn loại cơm này thì rất khó nuốt. Tuy vậy, vợ chồng tôi vẫn cố gắng ăn, nhưng 2 đứa con nhỏ thì chúng không chịu ăn vì cơm cứng quá” anh Lê Văn Thoại chia sẻ.
Cùng có con đang đi học được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước, một số gia đình phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai cho biết năm học 2015- 2016, được nhận 2 đợt gạo (mỗi đợt 75kg) hỗ trợ. Sau khi nhận gạo về nấu ăn, thấy cơm vừa cứng vừa quá nở nên hôm sau gia đình anh mang gạo đi bán cho 1 cơ sở nấu rượu với giá 8 nghìn đồng/kg để lấy tiền mua gạo khác về nấu ăn.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Quốc Phong- Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên giải thích, gạo dự trữ đưa vào phải khô, phải mua gạo với thủy phần 14. Nếu mua gạo với thủy phần lớn hơn thì trong vài tháng sẽ sinh ra mốc. Trong khi đó, gạo dự trữ phải bảo quản khoảng gần 1 năm thì mới xuất khỏi kho. Gạo dự trữ phải đảm bảo 3 yêu cầu như: thủy phần phải khô, phải đánh sạch cám, tỷ lệ phần tấm phải đảm bảo theo quy định của nhà nước. Phải luôn luôn đảm bảo chất lượng bảo quản và xuất.
Một cán bộ Cụ Dự trữ cho biết thêm, theo lộ trình và quy định thì Cục Dự trữ chỉ bàn giao số gạo tới UBND các huyện, sau đó phần còn lại là do phân bổ của các huyện. Nếu chất lược gạo có vấn đề Cục sẽ trực tiếp đi kiểm tra lại để có hướng giải quyết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.