Học sinh Sài Gòn thi trên máy tính, được sử dụng điện thoại trong lớp

13/03/2019 11:08

Với môn Toán, học sinh THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) làm 25 câu trắc nghiệm trong 45 phút trên máy tính.

zing_thptnguyendu2
Toán là môn đầu tiên được nhà trường áp dụng hình thức thi trên máy tính. Ảnh: Phương Thanh.

Mô hình thi trên giấy truyền thống vẫn được áp dụng tại nhiều trường học. Tuy nhiên, điều này khiến giáo viên tốn khá nhiều thời gian trong việc làm đề, chấm bài. Học sinh cũng phải chờ đợi lâu mới biết điểm.

Thi trên máy tính

Sáng 12/3, trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trên máy tính, môn đầu tiên là Toán.

Phòng thi chứa tối đa 32 học sinh, mỗi em làm bài trên máy tính kết nối với website thi trực tuyến trong 45 phút. Đề thi gồm 25 câu trắc nghiệm, được chia thành nhiều mã đề. Với hình thức này, học sinh sẽ biết điểm ngay sau khi kết thúc bài thi.

Duy Phúc (học sinh lớp 12A9) chia sẻ em khá hồi hộp khi lần đầu tiên làm bài thi trên máy.

"Mặc dù đã làm bài trên lớp bằng hình thức này, đây là lần đầu tiên em thi trên máy tính. Em thấy có chút áp lực vì khi làm bài, đồng hồ hiện ngay trên màn hình, làm chưa xong mà thời gian còn ít dễ bị rối", Duy Phúc tâm sự.

Với Phủ Phước (học sinh lớp 12A9), việc biết điểm ngay là một lợi thế của hình thức thi này: "Đối với em, Toán là môn quan trọng nhất nên khi thi xong biết điểm tốt sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn cho những môn thi sau".

zing_thptnguyendu
Mỗi học sinh sẽ làm bài trên máy tính riêng với mã đề khác nhau. Ảnh: Phương Thanh.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, cho biết do cơ sở vật chất của trường còn khiêm tốn nên không thể tổ chức thi nhiều lớp một lần, cũng như áp dụng cho nhiều môn học.

Tuy nhiên, thầy Phú thông tin nhà trường sẽ cố gắng đầu tư thiết bị máy móc để có thể tổ chức thi cùng lúc nhiều lớp và áp dụng hình thức thi này cho những môn còn lại.

Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học

Bên cạnh áp dụng hình thức thi trên máy tính, trường THPT Nguyễn Du cũng yêu cầu giáo viên đổi mới phương thức dạy học, tăng cường tổ chức theo nhóm. 

Điện thoại của giáo viên, học sinh đều được kết nối với một website học tập trực tuyến. Với công nghệ này, thầy cô có thể cho học sinh làm bài trên lớp ngay trên smartphone. Bài tập về nhà cũng được quản lý chặt chẽ, mỗi em có một mã đề riêng. Điều này giúp thầy cô dễ dàng theo dõi quá trình học tập của học sinh.

Thầy Thanh Phú khẳng định áp dụng hình thức này không phải để giảm sức lao động của thầy cô hay phụ thuộc công nghệ. Nhà trường mong có thêm nhiều phương pháp để kiểm tra, đánh giá học sinh.

"Em nào cũng có smartphone. Nếu mình không biết smartphone thành phương tiện học tập thì học sinh dùng điện thoại để chơi game. Điều này làm tăng nhãn áp, sống ảo, thậm chí là trầm cảm.

Đôi khi nhà trường không thể quản lý hết, học sinh lén sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhưng bây giờ cho phép sử dụng smartphone công khai, các em sẽ dùng ngay tại lớp để phục vụ mục đích học tập", hiệu trưởng nhà trường nói.

Cách học này sẽ được áp dụng cho các môn là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ.

Ý kiến của bạn

Bình luận