Học sinh TP.HCM 'mê' học tích hợp

07/06/2016 05:13

Mới một năm theo học nhưng nhiều học sinh lớp 1 và lớp 6 tại TP.HCM đã “mê tít” những giờ học toán, khoa học bằng tiếng Anh được cải cách.

hoc-sinh-tp.hcm-me-hoc-tich-hop_6121233

 Những giờ học sinh động, giao tiếp hài hước, gần gũi của các ông giáo “Tây” hoàn toàn thu phục những học trò nhí.

Sinh động, hài hước

14 giờ, vừa bước vào cửa lớp, thầy Brian Mallot được nhóm học sinh lớp 1 của trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) chào đón bằng bài hát tiếng Anh có tiết tấu vui nhộn. Đáp lại sự háo hức và đáng yêu của học trò, thầy Brian liền bắt nhịp một bài hát tặng lại các bé. Lúc này, màn hình bảng tương tác liền hiện lên các hình ảnh liên quan đến bài hát về màu sắc, đồ vật… Thầy liên tục chỉ vào những hình ảnh trên bảng để học sinh giải thích bằng lời bài hát…

Kết thúc màn “chào sân” vui nhộn, các bé lấy được cảm hứng và thoải mái đi vào bài học về các từ chỉ hành động. Không giống với cách thông thường, giáo viên viết từ vựng và giải thích nghĩa. Trên bục giảng, thầy đưa ra hình ảnh hoặc clip về từng hoạt động. Phía dưới, các bé tranh nhau gọi tên của các hoạt động đó bằng tiếng Anh. Hàng loạt bé lập tức trả lời. Một vài em gọi chưa chính xác, thay vì mắc cỡ với mọi người, các bé tiếp tục nói đến khi thầy khen “good”. Giờ ra chơi giữa hai tiết học, thầy tranh thủ dẫn học sinh xuống sân trường để “thực hành” các từ mới học. Vừa chơi, thầy trò vừa tíu tít trao đổi bằng tiếng Anh. Lớp học cứ thế liên tục hoạt động, học sinh được thầy giáo khuyến khích làm cho lớp học… mất trật tự, hai giờ học trôi qua nhanh chóng.

Khi chúng tôi hỏi thầy tại sao thầy lại hướng đến một không khí lớp học như thế, rất khác với lớp học truyền thống, thầy Brian cho biết: “Tôi tận dụng mọi cơ hội để dạy ngôn ngữ và kiến thức cho các bé, kể cả lúc chơi hay hát cũng là thời gian để luyện tập. Tôi truyền đạt kiến thức cho các em tiếp thu một cách tự nhiên nhất có thể, không tạo cảm giác gò bó rằng các em đang bắt buộc phải học, lớp học cũng không cần phải im phăng phắc”.

Những giờ học tích hợp tại trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh), học sinh không chỉ đơn thuần là người tiếp nhận kiến thức, mà là một mắt xích chủ động trong hoạt động giao tiếp, trao đổi kiến thức bằng ngôn ngữ Anh với giáo viên bản xứ. Vì vậy, học sinh hào hứng tham gia đóng góp vào các hoạt động học tập. Vừa tan học, mặt đầy mồ hôi nhưng Nguyễn Ngọc Hoàng Khang, học sinh lớp 6/1, không quên khoe: “Xem clip về bài học, cô cho chơi trò chơi điền từ đúng sai rồi tụi em tự rút ra bài học. Học kiểu này vui lắm”.

Mỗi tuần các em có 8 tiết học với giáo viên nước ngoài, với sĩ số 30-35 em/lớp thì các em nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, chu đáo của các giáo viên. Một học sinh của trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) cho biết: “Các thầy cô rất thân thiện, dạy dễ hiểu, hỗ trợ rất nhiều cho tụi con khi học tập. Những tiết học môn khoa học rất hấp dẫn vì tụi con được thực hành, làm nhiều thí nghiệm và luôn được giáo viên khuyến khích, kích thích sự tư duy sáng tạo cho tụi con”.

Người lớn cũng… mê

Rất nhiều phụ huynh sau khi tính toán, so sánh thật kỹ chương trình học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ thì quyết định cho con theo học chương trình tiếng Anh tích hợp ngay trong trường phổ thông với lý do mức học phí tương đương nhưng được tiếp xúc với giáo viên bản ngữ nhiều hơn. Chẳng những thế, khi vào học rồi mới thấy “té” ra thêm nhiều cái lợi. Anh Trương Huỳnh Anh Tuấn – phụ huynh bé Trương Nguyễn Tuấn Kiệt, lớp 1/6 trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) chia sẻ: “Sau 1 năm bé học thì khả năng tiếp thu tiếng Anh rất tốt, trong lớp bé mạnh dạn phát biểu và tham gia các trò chơi thực hành những vốn từ đã học. Một tuần con tôi được học 8 tiết với thầy cô bản ngữ trong khi ở trung tâm chỉ học được 4-6 tiết/tuần. Thời lượng học nhiều hơn nhưng đỡ được công đưa đón. Quan trọng là chương trình còn được liên tục từ cấp 1 đến lên phổ thông và có thể du học. Quan trọng hơn là con tôi sau này không phải “chạy sô” mà vẫn được tiếp cận với cả chương trình trong nước lẫn nước ngoài”.

Ý kiến của bạn

Bình luận