Một sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh K32 cho biết, trước đây, thầy cô trong khoa cho thi thử dạng đề IELTS và yêu cầu ôn theo dạng này. Không ít bạn đã đăng ký học IELTS ở các trung tâm với số tiền từ 6 triệu đồng đến hơn 7 triệu đồng cho một khóa học.
Tuy nhiên, đến trước ngày thi chuẩn đầu ra khoảng 1 tháng, sinh viên lại được thông báo thi theo dạng đề C1 (theo khung tham chiếu châu Âu). "Tin này thực sự khiến sinh viên bàng hoàng vì thời gian còn lại khó mà ôn luyện để đạt được trình độ như vậy".
Sinh viên ngành này còn cho biết khá bất ngờ trước yêu cầu phải có chuẩn đầu ra tiếng Nga (B1) trong khi môn ngoại ngữ 2 chỉ được dạy vài buổi với kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".
"Học viện yêu cầu như vậy là muốn tốt cho sinh viên nhưng phải xem xét năng lực và trình độ của sinh viên ở mức độ nào. Trước tình hình này chắc chắn sẽ không ít bạn không lấy được bằng trong đợt tốt nghiệp tới đây. Thậm chí, để đạt trình độ ngoại ngữ C1 theo khung châu Âu là không hề đơn giản, tốn nhiều thời gian và tiền bạc" - sinh viên cho biết.
Trong khi đó, một sinh viên khác thừa nhận việc đã không nắm chắc các thông báo của trường, đặc biệt là yêu cầu B1 với ngoại ngữ thứ hai. Một phần nguyên nhân theo sinh viên này cũng bởi thầy cô không đốc thúc, lưu ý sinh viên.
Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Ảnh: website học viện. |
Chiều 12/5, trao đổi với VietNamNet, ông Lưu Văn An - Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, đây là năm đầu tiên học viện thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.
Các quy định học viện đã đưa ra từ đầu năm 2013. "Bằng nhiều hình thức trường đã thông báo không ít lần tới sinh viên như qua khoa, trên website học viện... Chuẩn đầu ra đối với các sinh viên từ khóa K33 sẽ còn căng thẳng hơn nhưng vẫn có em không chú ý hoặc không nắm rõ".
Theo thông báo số 103 của Học viện Báo chí - Tuyên truyền ngày 10/1/2013 về lộ trình thực hiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học: Sinh viên khóa 32 ngành Ngôn ngữ Anh chỉ được công nhận tốt nghiệp nếu đạt trình độ ngoại ngữ C1 khung châu Âu (tương đương 600 điểm TOEIC hoặc 560 điểm TOEFL hoặc 6.5 điểm IELTS).
Sinh viên từ khóa 33 trở đi đạt trình độ ngoại ngữ C1 khung châu Âu (tương đương 650 điểm TOEIC hoặc 600 điểm TOEFL hoặc 7.0 điểm IELTS). Đồng thời, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh phải có khả năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ khác (trình độ B1) trong các tình huống giao tiếp xã hội thông thường
Theo ông An: "Các em có thể thi bên ngoài để lấy các chứng chỉ tương đương vì lâu nay trường chỉ tổ chức thi theo khung tham chiếu châu Âu".
Với môn tiếng Nga hoặc tiếng Trung Quốc ở ngành ngôn ngữ Anh được xem như ngoại ngữ thứ hai cũng đã có quy định sinh viên phải đạt được trình độ B1.
"Để thực hiện lộ trình này, học viện đã tổ chức các lớp dạy học miễn phí để sinh viên ôn tập, không phải học bên ngoài mà vẫn có thể đáp ứng được các điều kiện học viện đưa ra" - ông An cho biết.
Trong khi đó, một cán bộ đào tạo của trường cho hay với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh yêu cầu tiếng Anh trình độ C1 là quá thấp. Ở môn tiếng Nga, sinh viên lại khá thờ ơ, không chú ý học môn này.
Trước thực tế trên, Phó giám đốc Học viện Báo chí - Tuyên truyền Lưu Văn An thẳng thắn cho rằng sẽ có sinh viên không thể tốt nghiệp bởi không qua được yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ của học viện đặt ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.