Học viện Hàng không Việt Nam: Nhìn lại chặng đường 40 năm phát triển

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
22/03/2019 17:52

Trong 40 năm (1979-2019) hình thành và phát triển, Học viện Hàng không Việt Nam là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài phục vụ cho ngành Hàng Không.

phongvan
Học viện Hàng không những ngày đầu mới thành lập

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, Tổng Cục Hàng Không Việt Nam được thành lập. Do nhu cầu phải có gấp rút một số lớn lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật nên đội huấn luyện nghiệp vụ Hàng Không ra đời. Trong thời gian ngắn đã mở được các lớp huấn luyện về Kiểm soát không lưu, Vận chuyển thương mại v.v... Năm 1979, xét thấy một nhà trường cho ngành kinh tế kỹ thuật của đất nước không thể thiếu được, Bộ Quốc Phòng đã ra quyết định số 146 ngày 24/03/1979 thành lập Trường Hàng Không với tên: Trường Sĩ quan và Trung cấp Nghiệp vụ Hàng không, trực thuộc Tổng cục HK dân dụng Việt Nam – Bộ Quốc phòng.

Ngày 14/11/1994, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu ra quyết định số 2318/QĐ-TCCCB-LĐ chuyển đổi tổ chức “Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Hàng không” thành “Trường Hàng không Việt Nam” trực thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam” với nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc dưới đại học các nghề chuyên ngành hàng không.

25nam-2
Trường Hàng không Việt nam, tiền thân của Học viện Hàng không 

Ngày 17/07/2006, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm ký quyết định số 168/2006/QĐ-TTg, thành lập Học viện Hàng không Việt Nam trên cơ sở Trường Hàng không Việt Nam. Ngày 30/10/2006 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký Quyết định số 2321/QĐ-BGTVT của về Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức của Học viện Hàng không Việt Nam. Học viện Hàng không Việt Nam trở thành cơ sở đào tạo đại học trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, hoạt động theo Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức tuyển sinh từ năm học 2007 – 2008 với hệ thống đào tạo các chuyên ngành hàng không nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cao cho ngành từng bước cho các nhu cầu cho xã hội cho đến hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, giám đốc Học Viện Hàng Không chia sẻ: Trong nhưng năm gần đây, Học viện đã mở được ngành Kỹ thuật hàng không bậc đại học năm 2017, đào tạo kỹ sư bảo dưỡng máy bay. Đã đạt được Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo qui định của Bộ Giáo dục đào tạo vào tháng 3 năm 2018. Bên cạnh đó nhà trường cũng xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO – 9001-2015 và được tổ chức Quarcert cấp giấy chứng nhận vào tháng 5 năm 2017.

giám đốc
Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng Không Việt Nam

Và đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn là cơ sở đào tạo nhân viên hàng không cho các chức danh: Thợ bảo dưỡng tàu bay, kiểm soát viên không lưu, nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay, kiểm soát an ninh hàng không, điều phái bay, cơ sở đánh giá tiếng Anh theo tiêu chuẩn ICAO… lần lượt trong các năm 2016 – 2017 – 2018. Và đặc biệt, đã hình thành được cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp hàng không để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cơ bản nhân lực, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian tái đào tạo của doanh nghiệp sau tuyển dụng.

Bà Hằng cũng nhấn mạnh, trong những năm tới vai trò cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không và cho xã hội sẽ còn tăng cao. Nhà trường luôn ưu tiên nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển của ngành hàng không nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Với tầm nhìn trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng hàng đầu về chuyên ngành hàng không dân dụng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Cung cấp các chương trình đào tạo tiên tiến đa cấp độ, đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc gia và phù hợp với quy định chung của Hàng không thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành hàng không Việt Nam và khu vực.

Để thực hiện sứ mạng và tầm nhìn này, Học viện đang chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, đặc biệt là gầy dựng đội ngũ nhân lực và xây dựng hệ thống quản trị trường học hiện đại, để chuẩn bị tiến tới tự chủ toàn diện trong thời gian tới.

hvhk
Nhà trường tiếp và làm việc với Cục Hàng không dân dụng Lào

Học viện đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế và trong nước, nhằm huy động mọi nguồn lực cho công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo chuyên ngành và nghiên cứu khoa học. Về hợp tác quốc tế, hiện nay Học viện đang thực hiện chương trình hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải VN và Bộ GTVT & Hạ tầng đất đai (MOLIT) Hàn Quốc nhằm xây dựng trường đào tạo phi công cơ bản tại Việt Nam; Tham gia chương trình hợp tác Việt Nam – Hà Lan về Hàng không, hợp tác với trường ĐH Hàng không Trung Quốc (CAFUC), hợp tác với các học viện HK trong khu vực và quốc tế để triển khai hoạt động đào tạo chuyên ngành và nghiên cứu khoa học.

Học viện đang cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của các đơn vị trong ngành hàng không để nâng cao nội lực đào tạo nhân lực trong nước, trở thành một cơ sở đào tạo về hàng không mạnh trong khu vực. Về thực tế, Học viện đã và đang đào tạo lực lượng cho hàng không Lào và Campuchia, vì vậy, nếu có sự chung tay của các doanh nghiệp trong ngành, với đội ngũ chuyên gia về hàng không hiện có của Việt Nam, việc đưa Học viện lên một tầm cao mới, mang tính chất khu vực là điều hoàn toàn khả thi” Bà Hằng chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận