Hơi ấm mùa Xuân về trên "rốn lũ" Trạm Tấu, Yên Bái

Tác giả: NHỊ HÀ

saosaosaosaosao
Xã hội 16/02/2018 11:47

Đầu tháng Chạp, những cơn mưa tầm tã kéo dọc đường đi từ Hà Nội lên Yên Bái. Trên con đường độc đạo từ thị trấn Nghĩa Lộ lên cổng trời Trạm Tấu chỉ lờ mờ viền núi trong làn sương mù dày đặc. Hai bên đường, những cánh rừng hoa đào núi còn sót lại sau cuộc càn quét của lũ dữ hồi tháng 10/2017 vẫn nhú lên những nụ hồng ấm áp như chính cuộc sống hồi sinh của người dân vùng lũ.

 

2

Người dân vùng lũ Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tập trung dựng lại nhà cửa, chuẩn bị đón chào năm mới Mậu Tuất 2018

 

Hồi sinh từng ngày

Huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do lũ ống, lũ quét hồi tháng 10/2017 gây ra. Nhiều xã, bản của Trạm Tấu bị cô lập do sạt lở đất đá. Nhiều nhà dân, ô tô, xe công trình cũng bị dòng nước lũ cuốn phăng, nhiều hộ dân mất trắng nhà cửa, có những hộ mất hết cả người thân. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chia sẻ trong các dòng họ, nội lực của từng hộ dân, nhiều căn nhà mới đang mọc lên để bà con kịp đón Tết cổ truyền cận kề. 

Bên cánh đồng bản Hát, đá cuội cùng sỏi cát do lũ cuốn về lấp đầy cánh đồng màu mỡ ngày nào, nhiều hộ dân chuyển đổi làm ao nuôi cá, tìm hướng sản xuất nông nghiệp lâu dài thay cho việc trồng lúa. Ðứng bên căn lán tạm, ông Lường Văn Kỳ ở bản Hát 2, xã Hát Lừu cho hay: Căn nhà sàn gỗ ba gian sắp được cất nóc là nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm và họ hàng. Ông Kỳ bảo: Nhà mình thuộc diện di dời khẩn cấp khỏi nơi sạt lở nguy hiểm nên được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, các tổ chức từ thiện ủng hộ 30 triệu đồng nữa, nay chuyển đến địa điểm này dựng nhà tạm, cuộc sống ổn định, nhanh thì một tuần nữa làm lễ vào nhà mới.

Có thể hiểu niềm vui của những người dân nơi đây khi họ chuẩn bị về nhà mới. Gia đình anh Lường Văn Bun đã dựng xong nhà từ 10 ngày trước, đàn gà đã quen chuồng đi kiếm ăn lục tục bên cây rơm mới. Anh Bun cho biết: “Nhà em trước ở rừng vầu kia kìa, mưa lũ năm ngoái gây sạt núi phải chuyển nhà ra phía bờ suối. Ðợt lũ vừa rồi, nước tràn qua gầm nhà sàn, sợ lắm, cho nên chuyển về đây sinh sống.

Cái khó của người dân vùng cao Trạm Tấu là không có đất bằng phẳng để làm nhà. Nơi tìm được thì trên núi cao, thiếu nguồn nước sinh hoạt. Mặt khác, do phong tục tập quán của đồng bào Thái là ở nhà sàn, giờ chuyển sang làm nhà sàn bằng cột bê tông, thời gian thi công kéo dài.

Tại xã Xà Hồ, nơi có 29 nhà bị sập trôi và di dời khẩn cấp, đến nay đã dựng được 11 ngôi nhà mới. Với sự giúp đỡ của anh em trong dòng họ nhường đất, hỗ trợ dựng nhà xen kẽ bên nhau, các hộ bị mất nhà đã khẩn trương tìm vật liệu làm nơi ở mới. Chủ tịch UBND xã Mùa A Ðế cho biết: Trên địa bàn xã, đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 80% nhân khẩu, hầu như không biết nói tiếng Kinh. Trận lũ quét vừa rồi ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống đã khó khăn lại càng trở nên chật vật. Nhờ làm tốt công tác dân vận, huy động được sức dân giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Về vùng "rốn lũ" hôm nay mới thấy hết được tình làng nghĩa xóm của bà con nơi đây. Họ cùng nhau chung tay góp sức tu sửa những con đường, kè lại mương, đắp lại đập. Chỉ trong vòng 3 tháng sau ngày lũ đi qua, đâu đâu cũng có sự đổi thay. Những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn nay đã xây được nhà kiên cố bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự linh hoạt của chính quyền xã khi ký giấy bảo lãnh để bà con có thể mua nguyên vật liệu xây nhà.

Vơi bớt khó khăn

1
Tổng biên tập Tạp chí GTVT đại diện cho đoàn thiện nguyện trao quà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

 

Mặc dù “cơn đại hồng thủy” đã đi qua gần 3 tháng nhưng ở đâu đó vẫn còn những khóe mắt đỏ hoe trong cảnh vợ tìm chồng, bố tìm con, anh chị em lạc mất nhau, những đứa trẻ bỏ ngỏ ước mơ tìm con chữ, những ánh mắt đượm buồn với vô vàn nỗi băn khoăn cơm ăn áo mặc khiến cho nhiều người quặn lòng, đau nhói.

Với mong muốn giúp bà con đồng bào dân tộc chịu ảnh hưởng của "rốn lũ" Trạm Tấu có được cái Tết ấm áp, vừa qua Tạp chí GTVT và các nhà hảo tâm đã trực tiếp đến xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái để chia sẻ và trao 100 suất quà tới đồng bào.

Tại buổi trao quà, ông Trịnh Ngọc Hoàn - Tổng biên tập Tạp chí GTVT nghẹn ngào cho biết: “Với mong muốn đóng góp thiết thực nhằm chia sẻ, giúp đồng bào ổn định lại cuộc sống, đặc biệt là góp một phần vật chất cho bà con có được một cái Tết ấm áp sau thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, Tạp chí GTVT cùng với các nhà hảo tâm đã quyên góp những món quà tình nghĩa và phối hợp cùng với UBND xã Xà Hồ đến thăm hỏi và chuyển đến tận tay những người dân nơi đây”. Mỗi suất  quà bao gồm: 10kg gạo, mì tôm, dầu ăn, chăn, quần áo, sữa... và 01 triệu đồng đối với 34 gia đình có người thân thiệt mạng, nhà cửa bị cuốn trôi; 500 nghìn đồng đối với 66 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. 

“Đây là tấm lòng của toàn thể CB, PV, NV Tạp chí GTVT và các nhà hảo tâm gửi đến bà con, mong bà con sớm vượt qua khó khăn, mất mát này”, Tổng biên tập Trịnh Ngọc Hoàn chia sẻ với bà con vùng lũ.

Cuối đông, những cơn mưa kéo dài, trời lạnh se sắt nhưng tại các điểm trao quà Tết của các đoàn thiện nguyện cho bà con không khí thật ấm áp, tràn ngập yêu thương. Trên khuôn mặt của các hộ nghèo đến nhận quà vẫn hiển hiện nỗi khắc khổ, lo toan cuộc sống. Em Giàng Thị Hê, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mới 19 tuổi mà em đã có 2 con gái, một cháu hơn 01 tuổi, một cháu gần 6 tháng tuổi. Chồng chị theo người dân trong bản đi làm quặng, trong đợt lũ cách đây gần 3 tháng, chồng chị và một số công nhân khác đã ra đi trong dòng lũ cuốn. “Mình đói, khổ thì chịu được, chứ mấy đứa nhỏ nó khóc quá, chỉ thương chúng nó chưa đủ lớn để biết cha..., mình cố sống tốt để bù đắp..., cảm ơn đoàn thiện nguyện...”, em Hê rơm rớm nước mắt.

Trước những tình cảm của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương cam kết sẽ cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, đảm bảo cho nhân dân không ai bị đói, ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

Như vậy mới thấy rằng, ngọn lửa tình người không chỉ được thắp sáng ở ngay nơi lũ dữ đi qua. Các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm và bao trái tim yêu thương đang hướng về Trạm Tấu, sẽ tiếp tục chung tay sẻ chia với những người dân đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra.  

Mong rằng, những tấm lòng cứ thế nối dài như để rút ngắn lại nỗi đau mà bà con vùng cao đang phải gánh chịu. Chia tay vùng rốn lũ, qua những nương ruộng bậc thang thoang thoảng mùi mạ non, bắt gặp hình ảnh những người dân tộc Mông, Thái  đang hăng say lao động làm tôi chợt nhớ đến câu hát: “Đồng lúa ngát xanh tình đất mới, phù sa nuôi lúa đồng ta phủ ấm lên mầu đất mới, che chở cho lúa hiền hòa...”.

Ý kiến của bạn

Bình luận