Một chiếc tàu đưa du khách cập làng bè ở xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) trưa 24-7 - Ảnh: Đông Hà |
“Những chủ bè như tôi rất mong muốn được chính quyền, ngành chức năng hướng dẫn để làm cho đúng luật chứ không hề muốn các ngành cứ kiểm tra, hỏi tới hỏi lui Ông Năm Thắng (chủ làng bè ở Long Sơn, TP Vũng Tàu) |
Gần trưa, tại Bến Đá ở xã Long Sơn (TP Vũng Tàu), từng đoàn du khách tấp nập đến đây để đi thuyền tới các nhà hàng, quán ăn nổi trên sông Mỏ Nhát, sông Rạng, Chà Và (người dân quen gọi là “làng bè”).
Các làng bè hải sản ở Long Sơn đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách. Theo một người dân ở sát bên Bến Đá, vào những ngày lễ, tết, có hơn 100 ôtô đưa khách đến làng bè, trong đó có nhiều xe 50 chỗ.
Theo quan sát của chúng tôi, bè gần nhất cách bến hơn 100m, bè xa nhất cách bến khoảng 800m. Diện tích mỗi nhà hàng nổi rộng từ 150m2 đến hơn 300m2.
Chủ bè tự làm nhà hàng theo kinh nghiệm...
Ông Nguyễn Ngọc Trường, trưởng phòng kinh tế TP Vũng Tàu, cho biết trên địa bàn TP có năm làng bè tập trung tại xã Long Sơn, một làng bè ở P.12. Ngoài ra, có hai làng bè khác nằm giáp ranh xã Long Sơn (thuộc xã Phước Hòa, huyện Tân Thành).
Tuy hoạt động từ lâu và mấy năm trở lại đây các làng bè càng nở rộ nhưng đến nay, tất cả làng bè trên địa bàn Vũng Tàu và huyện Tân Thành đều chưa có giấy phép vì chủ bè chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê mặt nước để kinh doanh.
Ngoài ra, việc làm nhà hàng, quán ăn trên bè tập trung hàng trăm người cùng lúc cũng do các chủ bè tự làm theo kinh nghiệm, chứ chưa được một cơ quan thẩm quyền nào chứng nhận an toàn hay làm theo mẫu thiết kế của cơ quan hữu quan!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một làng bè hoạt động có khá nhiều cấp, nhiều ngành quản lý. Theo đó, ngành giao thông vận tải quản lý về phương tiện, luồng lạch; cảng vụ đường thủy nội địa quản lý bến; ngành tài nguyên - môi trường quản lý mặt nước, ô nhiễm; chính quyền cấp phép kinh doanh...
Hiện nay các nhà hàng, quán ăn trên bè thường là kết hợp và dựa trên quy hoạch nuôi cá. Chưa kể, trước đây vị trí các bè nuôi cá có kết hợp làm nhà hàng ở trên đều do người dân tự phát làm chứ chưa có quy hoạch cụ thể.
Năm 2015, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có quy hoạch này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trước hết chính quyền cần phải tách các nhà hàng, quán ăn trên bè ra khỏi bè nuôi cá.
Các nhà hàng nổi cũng phải có điểm tập trung, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi thực khách ăn nhậu rồi say xỉn, chẳng may té xuống nước...
Một cán bộ có chức năng cũng cho hay cấu trúc, kết cấu của làng bè để làm nhà hàng phải khác với lồng bè nuôi cá...
Mong được cấp phép để làm ăn
Chúng tôi trao đổi với một số chủ làng bè ở Long Sơn sau vụ sập nhà bè ở Ninh Thuận, hầu hết họ đều mong muốn được Nhà nước cho thuê mặt nước và hướng dẫn về thủ tục xin phép hoạt động.
Ngoài ra, các chủ bè cũng muốn có mẫu thiết kế bè an toàn để họ làm theo. Ông Năm Thắng, chủ làng bè Năm Thắng, cho biết bè của ông hiện tại được dựng theo kinh nghiệm lâu năm làm nghề chứ không được cơ quan nào phê duyệt thiết kế...
Ông Lê Xuân Tú, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết “làng bè” hải sản đã giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho bà con, nhất là sau khi nhiều người bị thu hồi đất để làm dự án lọc hóa dầu Long Sơn. Chưa kể, loại hình du lịch này cũng san sẻ bớt du khách cho Vũng Tàu vào mỗi dịp lễ, tết.
Ông Tú cũng cho hay từ khi có làng bè Long Sơn đến nay chưa xảy ra một trường hợp tai nạn đáng tiếc nào.
Ông Tú cho biết thời gian qua và sắp tới, chính quyền xã đã và sẽ phối hợp với các ngành để tăng cường quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo đó, chính quyền buộc các nhà hàng nổi phải vận chuyển rác vào bờ chứ không xả xuống sông. Các tài công lái thuyền đưa khách ra bè phải có chứng chỉ, thuyền phải được đăng kiểm.
Với các bè nổi dùng để làm nhà hàng, quán ăn luôn yêu cầu chủ bè phải kiểm tra để nếu phát hiện hư, mục phải thay, gia cố ngay.
“Về lâu dài, chính quyền đề nghị cấp trên có quy hoạch đồng bộ các nhà hàng nổi vào một điểm cũng như có quy định, quy chuẩn về cách thức tổ chức làng bè làm nhà hàng nổi trên sông. Khi đã có quy định, quy hoạch, nếu người dân không làm theo thì buộc ngừng hoạt động” - ông Tú nói.
Yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động các nhà hàng trên bè Ngày 25-7, bà Trương Thị Hường - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - đã có công văn gửi các phường, xã trên địa bàn yêu cầu tổ chức kiểm tra, đình chỉ tạm thời hoạt động của các làng bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như các bến thủy nội địa tự lập, hoạt động trái phép. Việc đình chỉ này kéo dài cho đến khi có sự cho phép hoạt động của cơ quan có thẩm quyền. Cùng ngày, UBND TP Vũng Tàu cũng có công văn gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngành khác đề nghị hướng dẫn cho các chủ bè và địa phương quy cách kỹ thuật làm bè nổi để quản lý loại hình kinh doanh này. Trước đây, vào tháng 3-2016, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các phòng, ban của UBND TP Vũng Tàu và các sở chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra tám cơ sở kinh doanh ăn uống trên làng bè ở sông Chà Và, sông Rạng, sông Mỏ Nhát và sông Dinh. Qua kiểm tra cho thấy tất cả bè nổi này đều hình thành tự phát... |
Thừa Thiên - Huế: “Bè an toàn nhưng không biết khả năng chịu lực”(?!) Tại khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, H.Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) có một số nhà hàng nổi trên mặt nước thường xuyên phục vụ cùng lúc hơn 200 người. Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, chủ nhà hàng Việt Long, cho biết nhà hàng bè của ông chủ yếu phục vụ khách theo đoàn, có khả năng phục vụ trên 300 người cùng lúc nhưng không biết khả năng chịu lực của nhà hàng(?). Tuy nhiên, ông Vĩnh giải thích nhà hàng này ở gần bờ, mực nước rất nông. “Nhà hàng bè của tôi cũng được kiểm tra, gia cố vì tài sản cả trăm triệu của mình trên đó” - ông Vĩnh nói. Còn ông Nguyễn Thành Nhân, phó chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết tại đây có bốn nhà hàng lớn của ba chủ kinh doanh, trong đó có một nhà hàng bè nổi nói trên. Theo ông Nhân, hằng năm đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương đều đi kiểm tra tại các nhà hàng này về an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép kinh doanh, nhưng chưa bao giờ phát hiện dấu hiệu có thể gây mất an toàn cho du khách bởi mực nước tại đầm rất lặng và nông. Tuy nhiên, ông Nhân cũng thừa nhận không kiểm soát được khả năng chịu lực của bè so với lượng khách mà bè phục vụ. (TRƯỜNG TRUNG) Khánh Hòa: Tạm ngưng hoạt động nhà hàng nổi để kiểm tra Chiều 25-7, ông Nguyễn Thành Trung - phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh (Khánh Hòa) - cho biết đã yêu cầu 28 nhà hàng (có phần nhà hàng nổi) tại vịnh Cam Ranh, xã Cam Bình tạm ngưng hoạt động để kiểm tra độ an toàn. Theo đó, các hộ kinh doanh tuyệt đối không cho khách xuống các nhà hàng nổi, chỉ được kinh doanh trên bờ. “Các nhà hàng hình thành từ các bè, mảng nuôi cá trước đây và không có giấy phép. Việc tạm ngưng các nhà hàng này nhằm kiểm tra về an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó kiểm tra độ an toàn phần nhà hàng nổi trên mặt nước sẽ được làm chặt chẽ” - ông Trung nói. Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết sáng 25-7 thường trực UBND TP đã có cuộc họp giao ban và cũng đưa vấn đề này ra bàn luận. Theo thống kê, trên vịnh Nha Trang có 11 nhà hàng nổi dạng bè, tập trung chủ yếu ở khu vực biển Vũng Ngáng, Hòn Một. Cùng ngày, ông Huỳnh Ngọc Bông - chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa - thông tin thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương báo cáo về việc kinh doanh nhà hàng nổi để đưa ra hướng xử lý. Trong một cuộc họp mới đây, ông Trần Sơn Hải - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết về nguyên tắc, các nhà hàng nổi dạng bè trên biển không được phép hoạt động nên không cho xây dựng. Đối với các nhà hàng hiện có, ông Hải chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, kiểm đếm, thông báo lộ trình thời gian dừng hoạt động trong năm nay. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.