Trong những thập kỷ gần đây, vai trò và tầm quan trọng của Địa kỹ thuật ngày càng được nâng cao và đề cập đến trong nhiều hội nghịquy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Bên cạnh các công trình nghiên cứu mới nhất về Địa kỹ thuật, nhiều vấn đề mới cũng phát sinh với các mức độ phức tạp khác nhau từ phạm vi địa phương, khu vực đến phạm vi quốc tế.
Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe doạ về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.
Do vậy, đối với mỗi loại công trình, việc lựa chọn giải pháp nền móng cho kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng. Các giải pháp nền móng được quyết định qua nhiều khâu từ nghiên cứu khảo sát địa hình địa chất, cho đến thiết kế lựa chọn giải pháp, ứng dụng công nghệ phù hợp để thi công xây dựng và sử dụng trong quá trình khai thác. Giải pháp không phù hợp có thể dẫn đến một trong hai hệ quả là: Mất an toàn, dẫn đến thấm, lún, nứt, sụt lở công trình hoặc quá lãng phí do thiết kế và thi công thừa so với yêu cầu. Nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà làm chuyên môn là phải tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, ứng dụng công nghệ phù hợp để thực thi giải pháp, nhằm mục tiêu cùng một lúc thoả mãn 02 tiêu chí an toàn bền vững với giá thành thấp nhất.
Trong tầm nhìn 2020 của chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì vậy nhu cầu phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển đô thị trong thời gian tới sẽ tăng mạnh qua từng ngày. Tuy nhiên, phát triển mạnh mẽ luôn tiền ẩn nguy cơ không bền vững, là một thách thức đối với Quốc Gia và cuộc sống của con người. Đặt ra cho Chính phủ, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thúc đẩy phát triển nhưng phải ngăn chặn mọi nguy cơ dẫn đến không bền vững. Các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp nói chung, các nhà tư vấn, nhà thầu chuyên ngành nền móng và công trình ngầm nói riêng không thể đứng ngoài nhiệm vụ đó. Một trong những con đường nhanh nhất để có thể thực hiện nhiệm vụ đặt ra là áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tri thức tiên tiến trong từng hành động và từng sản phẩm cụ thể. Khoa học Địa kỹ thuật Việt Nam đang sở hữu khá nhiều công nghệ đã phổ biến tại các nước phát triển từ 20 – 30 năm trước.
GEOTEC HANOI 2013 cũng đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Hội địa kỹ thuật Quốc Tế, và các trường đại học, các viện nghiên cứu, các công ty tư vấn và hội khoa học trong nước bao gồm: Trường Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi, Viện KHCN xây dựng (IBST) – Bộ Xây dựng, Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Việt Nam CDC – Bộ xây dựng, Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam và Viện Địa kỹ thuật.
Đặc biệt, Hội nghị đã nhận được sự bảo trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), một tổ chức có uy tín hàng đầu trong Viện trợ phát triển cho các Quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới. Sau thành công của Hội nghị lần thứ nhất GEOTECH HANOI 2011 với sự tham gia của các giáo sư hàng đầu thế giới đó là các GS. Sven G.Hansbo và GS. Bo Begrren (đến từ Thụy Điển), GS. Harry Poulos (Australia), GS. Pieter A.Vermeer (Hà Lan), GS. Yukitake Shioi, GS. Kenji Ishihara, TS. Hiroshi Yoshida, (đến từ Nhật Bản), TS. Bengt H. Fellenius (Canada), GS. Alain Guilloux (Pháp) và 350 đại biểu đến từ 24 nước.
Hội nghị lần thứ 2 này tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Giáo sư hàng đầu đó là GS. Sven G.Hansbo – cây đại thụ của ngành địa kỹ thuật Thế Giới, Các giáo sư GS. Alain Guilloux đến từ Pháp, GS. Rolf Katzenbach đến từ Đức, GS. Fumio Tatsuoka đến từ Nhật Bản, GS. Helmut Schweiger đến từ Autralia, GS. Kenichi Soga đến từ Anh sẽ giảng bài quan trọng đại diện cho 5 chủ đề của hội nghị, cùng với 84 nhóm tác giả khác sẽ trình bày 84 bài trên tổng số 112 bài tham luận đến từ 27 quốc gia trên thế giới của các nhà khoa học Việt Namvà quốc tếcó chất lượng cao và có nhiều ứng dụng thực tiễn nhất, trong đó có 23 báo cáo của các tác giả Việt Nam và 89 báo cáo đến từ các tác giả nước ngoài. Tuyển tập của Hội nghị đã được Cục xuất bản đồng ý cấp mã sách quốc tế ISBN: 978-604-82-000-8.Đây không những là một tài liệu quý báu mang tính thực tiễn cao dành cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công ty tư vấn thiết kế trong lĩnh vực xây dựng, mà còn được sử dụng làm tư liệu giảng dạy về địa kỹ thuật, đặc biệt về nền móng và công trình theo hướng phát triển bền vững tại các trường đại học chuyên ngành tại Việt Nam.
Hội nghị tập trung vào 5 chủ đề chính: Móng cho nhà cao tầng; công trình ngầm trong đất yếu; cải tạo nền đất yếu cho công trình hạ tầng; công tác quan trắc – thiết bị cho công trình ngầm và hố đào; mô hình hóa các bài toán địa kỹ thuật và phương pháp số.
Đặc biệt, trong khuôn khổ GEOTEC HANOI 2013, một không gian triển lãm cũng đã được thiết lập với 35 gian hàng triễn lãm của 33 công ty đến từ hơn 16 nước trên thế giới. Các Công ty mang đến triển lãm các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về sản xuất, thi công các dự án nền móng và công trình ngầm.
Hoàng Thạch
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.