Mạng lưới đường bộ Việt Nam có chiều dài khoảng 224.500km, gồm có 34.933 cầu các loại, trong đó cầu bê tông dự ứng lực đang bị xuống cấp, chất lượng giảm sút, xuất hiện những hư hỏng và có thể gây mất an toàn trong khai thác.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng trên, trong đó có công tác quản lý, khai thác và bảo trì chưa được quan tâm đúng mức, các công nghệ sửa chữa chậm đổi mới, vật liệu sửa chữa chưa có sự thay đổi về chất, nguồn kinh phí dành cho công tác duy tu, sửa chữa hàng năm chỉ đạt 20 – 25% so với nhu cầu. Do đó, số lượng cầu yếu (trong đó có cầu bê tông dự ứng lực) chưa được sửa chữa kịp thời ngày càng có xu hướng gia tăng, làm tăng nguy cơ mất an toàn trong khai thác.
Tại Hội thảo, 13 bài báo khoa học, tham luận từ phía Nhật Bản đã được trình bày nhằm giới thiệu, tổng kết, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm từ công tác bảo trì cầu bê tông dự ứng lực tại Việt Nam và Nhật Bản. Các báo cáo có nội dung phong phú, bao gồm các vấn đề về hư hỏng, giám sát, quan trắc cầu bê tông dự ứng lực và các vật liệu sửa chữa cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và Viện Bê tông dự ứng lực Nhật Bản. Đây là điều kiện để đánh giá tổng thể về công nghệ bê tông dự ứng lực trong các công trình cầu, qua đó thấy được những ưu điểm cũng như những vấn đề cần khắc phục khi áp dụng công nghệ này. Thứ trưởng yêu cầu các chuyên gia, nhà khoa học tích cực phản biện, đưa ra những ý kiến sắc bén, từ thực tiễn rút ra những bài học kinh nghiệm để các công trình sử dụng công nghệ bê tông dự ứng lực phát huy được tính hiệu quả và chất lượng.
Được biết, Hội thảo lần thứ nhất về bê tông dự ứng lực đã được Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và Viện Bê tông dự ứng lực Nhật Bản phối hợp tổ chức năm 2007.
Cẩm Phú
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.