Hội thảo tăng cường năng lực bảo trì đường bộ

Tác giả: Nguyễn Duy

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/09/2012 09:17

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tăng cường năng lực bảo trì đường bộ.


Dự án Tăng cường năng lực bảo trì đường bộ do JICA tài trợ được triển khai từ tháng 9/2011 và đã thực hiện được 1 năm. Dự án có 5 hợp phần bao gồm: Tăng cường năng lực bảo trì, quản lý thông tin đường bộ; công tác lập kế hoạch bảo trì đường bộ; công nghệ bảo trì đường bộ; thể chế bảo trì đường bộ và phát triển nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ GTVT  Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội nghị

Dự án hướng tới mục tiêu hiện đại hóa công tác bảo trì,  giúp Tổng cục Đường bộ xây dựng định dạng cơ sở dữ liệu đường bộ và bảo trì, gồm 5 nhóm: Dữ liệu kết cấu đường bộ, công trình đường bộ, công trình phục vụ tổ chức, quản lý giao thông và quản lý đường bộ chung. Các cơ sở dữ liệu trên sẽ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tình trạng mặt đường, qua đó lập kế hoạch bảo trì hàng năm, trung và dài hạn. Công tác bảo trì cũng được thực hiện theo cơ chế mới, các doanh nghiệp tham gia thực hiện bảo trì, phải thực hiện đấu thầu thay vì thực hiện giao khoán như hiện nay.
Phát biểu khai mạc và chào mừng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT  kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong 10 năm đầu thế kỷ 21 là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp. Việc xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là phát triển hệ thống đường bộ hiện đại và chất lượng cao, đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, có một vai trò đặc biệt quan trọng. Chiến lược phát triển giao thông vận tải là tập trung nguồn lực cho các công trình quan trọng có tính đột phá và có tầm ảnh hưởng lớn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hợp lý, theo hướng hiện đại.

Toàn cảnh Hội nghị

Các ý kiến tham luận tại hội thảo cho rằng: Với thực trạng phương tiện giao thông ngày càng tăng nhanh như hiện nay, mạng lưới đường bộ của Việt Nam đang dần xuống cấp, nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Việc xây dựng, phát triển và thực hiện một chương trình toàn diện về bảo trì đường bộ cần phải được đặc biệt quan tâm. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy đầu tư 1 đồng cho bảo trì sẽ tiết kiệm 4 đồng đối với công tác phục hồi và tái xây dựng, khi nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản còn hạn hẹp. Bên cạnh đó các vấn đề như: công nghệ bảo trì đường bộ, quản lý thông tin đường bộ, lập kế hoạch bảo trì đường bộ cũng được các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm.

Ý kiến của bạn

Bình luận