Quốc hội họp phiên toàn thể, chiều 10/6. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 Chương, 47 Điều, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau: Về tên gọi của Luật là “Luật Lực lượng dự bị, động viên” hay “Luật Dự bị động viên” hoặc “Luật Xây dựng, sử dụng dự bị động viên” để bao hàm hết nội dung dự thảo Luật; về giải thích từ ngữ (Điều 3); nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 4); các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5); về nội dung kế hoạch (Điều 7); về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật (Điều 12); về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 16); về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 25).
Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện.
Dự thảo Luật Thư viện trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 có 7 chương, 51 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh.
Một số vấn đề xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này gồm: Một số loại hình thư viện cụ thể; các hoạt động thư viện, Khoản 3 Điều 17 quy định việc cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện được thu phí, lệ phí và giá theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Luật Phí và Lệ phí, Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan; hoạt động liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là về xây dựng thư viện số và quy định thúc đẩy phát triển thư viện số; quyền và nghĩa vụ của thư viện tại Điều 23 và 24; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện tại các điều 37, 38, 39.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thư viện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.