Liên hệ quảng cáo
Trong tuần làm việc thứ hai và cũng là cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng nay (17/2), Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 02 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội và thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý vận hành, khai thác
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Sau đó, Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; sau đó, thảo luận tại Đoàn về các nội dung trên.
Trước đó, chiều 10/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Đề cập về sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, xã hội của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Mẹ - VEC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC là thực hiện đúng chủ trương/nhiệm vụ được giao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Với vai trò đại diện Nhà nước làm chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, bước đầu VEC đã hoàn thành mục tiêu phục vụ Chiến lược phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia thông qua việc huy động được khoảng 108.865 tỷ đồng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư 5 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 540km. Các tuyến đường bộ cao tốc do VEC đầu tư, đưa vào khai thác đã phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội đất nước như đã đề ra trong mục đích thành lập VEC.
Mặt khác, với vai trò quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc do nhà nước giao, VEC đã đưa vào khai thác sử dụng 490 km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc, chiếm khoảng 27% tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc tại Việt Nam hiện nay. Các dự án đưa vào khai thác được phần lớn doanh nghiệp vận tải và người sử dụng đường bộ cao tốc đánh giá hiệu quả cao về tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông so với các tuyến đường cũ. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ là cơ sở, động lực giúp VEC có khả năng tiếp cận các nguồn vốn, điều kiện để đầu tư các dự án mở rộng và các dự án mới, góp phần mang lại động lực thúc đẩy sự phát triển cho các địa phương có dự án đi qua.
Từ thực tiễn mô hình tổ chức hoạt động của VEC cho thấy, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ giúp VEC phát huy được mô hình doanh nghiệp Nhà nước đầu tư phát triển, quản lý vận hành, khai thác đường bộ cao tốc, thể hiện được vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia.
Đường dẫn vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ -VEC với các lý do như đã nêu tại Tờ trình số 50/TTr-CP của Chính phủ.
Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung.
Theo đó, đề nghị giao Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 (38.251 tỷ đồng) cho VEC, trong đó có việc sử dụng số tiền 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc để tăng vốn điều lệ cho VEC.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh, sau khi được Quốc hội đồng ý về chủ trương, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan: tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện phương án và tổ chức thực hiện việc bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 cho VEC theo quy định của pháp luật; bảo đảm việc quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả, không gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước; xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng, hạch toán, kế toán, phương án bảo toàn và phát triển vốn; báo cáo Quốc hội kết quả triển khai tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Ngoài ra, giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc tăng vốn điều lệ cho VEC.
Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về sự cần thiết phải bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC để tạo điều kiện cho VEC phát triển bền vững, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đường bộ cao tốc nhằm thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước; thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và chủ trương phát triển một số tập đoàn Nhà nước có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, khi VEC được bổ sung vốn điều lệ thì Chính phủ phải đảm bảo sử dụng nguồn vốn không gây thất thoát. Trong đó, cần tập trung cơ cấu lại bộ máy để tiết kiệm chi phí, cơ cấu lại tài sản, các khoản đầu tư nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bền vững...
Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự luật, nghị quyết quan trọng
Theo chương trình tuần làm việc thứ hai và cũng là cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ngoài ra, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 02 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội..
Đặc biệt, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận nội dung về công tác nhân sự.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.