Bình Dương đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng cải tạo quốc lộ 13. Ảnh minh họa: TTXVN |
Dự án sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trên tuyến quốc lộ, giải tỏa áp lực giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị Bình Dương.
Theo đó, do điều kiện ngân sách nhà nước có hạn và nguồn vốn ODA ngày càng giảm, hình thức đầu tư đối tác công tư trong nước có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông qua các dự thảo Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức đối tác công tư (PPP) Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.411 tỷ đồng không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (Trong đó, 20% vốn doanh nghiệp, 80% vốn vay ngân hàng). Dự án sẽ cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 từ Cổng chào Vĩnh Phú (Km1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km15+018,28); mở rộng về bên phải thêm 2 làn xe (sau khi mở rộng là 8 làn xe) và đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 4 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành; đầu tư hệ thống thoát nước dọc, kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ Bến Cát đến Bàu Bàng (cầu Tham Rớt). Thời gian thực hiện từ năm 2019-2022. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án sẽ sử dụng 2 trạm thu phí trên từng nhóm phương tiện để thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hàng năm không vượt quá quy định của Bộ Tài chính.
Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp; chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng kịp thời, đáp ứng cho việc thực hiện dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13. Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, quốc lộ 13 là quốc lộ theo hướng Nam - Bắc, từ Tp. Hồ Chí Minh qua Bình Dương, Bình Phước và kết thúc tại cửa khẩu Hoa Lư, biên giới Việt Nam - Campuchia.
Hiện nay, do nhu cầu phát triển kinh tế, quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) đã quá tải xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vào lúc trời mưa, triều cường sông Sài Gòn dâng cao tràn vào ngập một số điểm ở thị xã Thuận An. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Tổng công ty Becamex IDC đã tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ năm 1998 đến năm 2008, gồm nhiều phân đoạn, trong hai giai đoạn chính như: Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ Vĩnh Bình (Km 1+248) đến ngã ba Bến Lớn (còn gọi là ngã ba Đài Vệ tinh mặt đất, Km28+178) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-CT ngày 19/03/2001 ký kết hợp đồng BOT với Tổng công ty Becamex IDC tại hợp đồng số 1009/HĐ.BOT.UB ngày 21/4/2000.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã ba Bến Lớn (Km28+178) đến cầu Tham Rớt (Km 65+355, giáp ranh tỉnh Bình Phước) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5305/QĐ-CT ngày 20/9/2002 và ký kết hợp đồng BOT với Tổng công ty Becamex IDC tại hợp đồng số 221/HĐ.BOT.UB ngày 15/01/2004. Năm 2014, trước tình hình phát triển lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn Nam Bình Dương, UBND tỉnh có chủ trương tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) đọan từ ngã ba Hữu nghị đến ngã ba Tự do, dài 1,6 km, lên 8 làn xe (6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), mặt cắt ngang 39,25m. Tổng công ty Becamex IDC đã thực hiện và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2014./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.