Hơn 510 triệu lượt khách sử dụng xe buýt, tàu điện ở Hà Nội

Tác giả: Văn Huế

saosaosaosaosao
Vận tải 17/01/2024 19:03

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng năm 2024 của Sở GTVT Hà Nội, tổ chức chiều nay.


Hà Nội phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 22 đến 25%- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Giảm nhiều điểm ùn tắc, vận tải khách công cộng tăng trưởng

Chiều nay (17/1), Sở GTVT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Thông tin về kết quả đạt được năm qua, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2023, Sở GTVT đã thành lập 4 tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, các điểm đen về tai nạn giao thông.

Đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông 48 nút giao, tuyến đường, giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc giao thông, xử lý dứt điểm 7 điểm đen TNGT.

Bên cạnh đó đã phối hợp với Công an Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp nhận và xử lý 483 kiến nghị trong công tác tổ chức giao thông như: Bất cập về biển báo giao thông, sơn kẻ vạch sơn, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông.

Điều chỉnh tổ chức giao thông tại các cổng trường học để phù hợp với thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm.

Đáng chú ý, về vận tải hành khách công cộng năm qua được Sở này tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố là hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức đầu tiên trong cả nước, bao gồm 1 tuyến đường sắt đô thị - tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, hiện đang chuẩn bị tích cực đưa thêm tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào vận hành khai thác trong năm 2024.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến nay có 156 tuyến (trong đó có 1 tuyến buýt BRT, 10 tuyến xe buýt điện, 10 tuyến xe buýt CNG, 112 tuyến buýt thường, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City Tour).

Đoàn phương tiện xe buýt có 2.030 xe với 281 xe sử dụng năng lượng sạch; dịch vụ xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%), tiếp cận đến 510/579 xã, phường, thị trấn đạt (88,1%), tiếp cận đến 65/75 bệnh viện (đạt 87%), tiếp cận đến 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%), tiếp cận 27/27 các khu công nghiệp lớn (đạt 100%), tiếp cận đến 33/37 các khu đô thị (đạt 89,2%), tiếp cận đến 22/24 làng nghề (đạt 91,6%), 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá, khu du lịch (đạt 92%), kết nối với 6 tỉnh thành lân cận.

Trong năm 2023, mạng lưới tuyến buýt vận chuyển tổng hành khách ước đạt 499 triệu (trong đó buýt trợ giá ước đạt 488,2 triệu lượt hành khách), tăng 43,3% so với thực hiện cùng kỳ 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 573,6 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ 2022; Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 10,7 triệu lượt khách (đạt 101,1% so với kế hoạch, tăng 31,4 % so với cùng kỳ 2022).

Hà Nội phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 22 đến 25%- Ảnh 2.

Trong năm 2023, mạng lưới tuyến buýt vận chuyển tổng hành khách ước đạt 499 triệu, tăng 43,3% so với thực hiện cùng kỳ 2022

Thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp 

Sở GTVT Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố, thực hiện hoàn thành: Luật Thủ đô sửa đổi; Rà soát điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô; Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội quyết liệt thực hiện 8 nhóm giải pháp để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, bao gồm: Tăng cường tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành; Tăng cường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; Phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, coi đây là giải pháp tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe các hành vi, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá cao các kết quả Sở GTVT đã đạt được năm qua và cho rằng: "Đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có những tín hiệu khả quan sau 3 năm dịch bệnh, tổ chức giao thông hiệu quả, giảm được nhiều điểm ùn tắc ấn tượng".

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng yêu cầu Sở GTVT Hà Nội cùng với các giải pháp đồng bộ về phát triển giao thông sẽ chú trọng và hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh, tổ chức rà soát lựa chọn danh mục để đưa các công trình giao thông cấp bách vào thi công đảm bảo tiến độ.

Ý kiến của bạn

Bình luận